Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong xây dựng nông thôn mới

09:23, 06/06/2016

Về xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) những ngày này, dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê với những con đường liên thôn, liên xã bê tông hóa sạch đẹp; nhà văn hóa các thôn, buôn được xây dựng khang trang…

Ông Từ Văn Hợi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, cách đây 4 năm, cả xã còn chưa có nhà văn hóa cộng đồng để bà con sinh hoạt, nên việc tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân gặp nhiều trở ngại. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ 70% kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, buôn, còn lại người dân chỉ đóng góp 30%, nhưng do tư tưởng trông chờ ỷ lại nên nhiều người không chịu đóng góp. Được sự thống nhất của Đảng ủy xã, các chi bộ thôn, buôn đã tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động nhân dân. Mặt khác, tất cả các đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, đóng góp mỗi hộ từ 1,2 - 2 triệu đồng vào quỹ xây dựng hội trường thôn. Việc làm gương mẫu của các đảng viên đã giúp người dân ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã tự đóng góp tiền, vật liệu xây dựng, hiến đất, góp công sức xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Đến nay, 100% thôn, buôn trong xã đều đã có nhà văn hóa đạt chuẩn.

Đoạn đường thôn 12, xã Ea Tu được bê tông hóa nhờ các cán bộ đảng viên vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Ảnh: Thúy Hồng
Đoạn đường thôn 12, xã Ea Tu được bê tông hóa nhờ các cán bộ đảng viên vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Ảnh: Thúy Hồng

Với mục tiêu xây dựng địa phương an toàn, an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông về đêm, từ đầu năm 2013, Đảng ủy, UBND xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức mô hình “Thắp sáng đường quê” mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, các đảng viên từng địa bàn phụ trách đến từng nhà vận động, tuyên truyền, phân tích hiệu quả của mô hình nên người dân trong xã đều phấn khởi tham gia. Bà con đã tự nguyện đóng góp mỗi hộ từ 200.000-500.000 đồng để mua đường dây, bóng đèn compac, công tơ điện lắp đặt hệ thống chiếu sáng dọc các tuyến đường trong khu dân cư. Hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” đã được 12 chi bộ thôn, buôn ứng dụng rộng rãi và lắp đặt được trên 500 bóng đèn. Để quản lý và vận hành có hiệu quả mô hình này, các chi bộ thôn, buôn đã thành lập ban quản lý của từng khu xóm để vận hành và thu tiền điện hằng tháng trả cho ngành điện. Ông Nguyễn Công Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tu cho biết, trước đây hầu hết các tuyến đường trong xã chưa có hệ thống chiếu sáng, tình trạng tai nạn giao thông, trộm cắp tài sản thường xuyên xảy ra. Từ khi mô hình “Thắp sáng đường quê” được triển khai và duy trì thì sinh hoạt của người dân đã có nhiều thuận lợi, đặc biệt không còn tình trạng gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản như trước. Nhờ đó, tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội trong xây dựng NTM được giữ vững… Hiện xã Ea Tu đã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM; năm 2016 xã đang phấn đấu đạt 3 tiêu chí còn lại về chợ, giao thông và cơ sở vật chất văn hóa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột Nguyễn Khắc Long cho hay, ngay từ giai đoạn đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các xã xây dựng đề án sát thực tế, rà soát, xác định các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp thực hiện; tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai đến từng cán bộ, đảng viên hiểu được sự cần thiết của việc xây dựng NTM. Cùng với đó là đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như phân công từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm thực hiện những công việc cụ thể, tích cực trong công tác tuyên truyền để giúp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng NTM… Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp đúng đắn, hợp lòng dân nên đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.