Multimedia Đọc Báo in

Để "một cửa" cấp huyện thật sự liên thông

10:28, 11/07/2016
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” ở huyện Krông Năng vẫn còn một số bất cập, cần sớm được tháo gỡ.
 
Cần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ ở lĩnh vực đất đai
 
Theo Quyết định số 48/2015/QĐ-UBND ngày 16-12-2015 của UBND tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện thực hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực: Tư pháp; Lao động, thương binh-xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Đăng ký kinh doanh; Xây dựng-Quản lý đô thị. Thời gian giải quyết hồ sơ của 4/5 lĩnh vực trên được thực hiện đúng quy trình, người dân không nhọc công gõ cửa nhiều nơi, không còn hồ sơ tồn đọng, riêng lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, cụ thể về đất đai vẫn còn trễ hẹn, đặc biệt là hồ sơ đính chính, chuyển nhượng… gây bức xúc trong nhân dân.
Nhân viên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Krông Năng hướng dẫn người dân kiểm tra kết quả  giải quyết thủ tục hành chính.
Nhân viên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Krông Năng hướng dẫn người dân kiểm tra kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Trương Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện, dù UBND tỉnh đã có Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ban hành quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trong việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên sự phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ) với bộ phận TN&TKQ huyện chưa đồng bộ. Điểm b, khoản 2, Điều 4 quy định “Chi nhánh VP ĐKĐĐ cử cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”, nhưng chưa nói rõ quy chế quản lý cán bộ được cử đến; chưa quy định thời gian giải quyết từng loại hồ sơ dẫn đến nhiều loại hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai trễ hẹn. Với đặc thù của địa phương sản xuất nông nghiệp, nhu cầu của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai khá lớn. Về hồ sơ (HS) giao dịch đảm bảo (đăng ký thế chấp, xóa thế chấp) trong tháng 3-2016, bộ phận TN&TKQ huyện đã tiếp nhận 1.245 HS, tháng 4 là 1.141 HS; còn HS chuyển nhượng trung bình mỗi tháng tiếp nhận trên 200 bộ. “Vẫn biết đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, nhưng liên quan trực tiếp đến nhiều người dân, do đó cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết đối với một số loại HS, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại”, ông Anh kiến nghị.

Cần liên thông phần mềm quản lý văn bản
Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho biết, hiện nay, các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện dần đi vào ổn định, từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ trong xử lý hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho nhân dân. Đối với 82 hồ sơ đất đai của huyện Krông Năng chậm giải quyết do lỗi hệ thống mạng, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh yêu cầu Chi nhánh huyện chuyển trực tiếp hồ sơ xử lý. 

Hiện nay, bộ phận TN&TKQ huyện đang ứng dụng phần mềm quản lý, tiếp nhận hồ sơ hành chính FPT; còn các phòng chuyên môn, mỗi đơn vị lại sử dụng một phần mềm quản lý, tiếp nhận hồ sơ của đơn vị chủ quản. Đơn cử Chi nhánh VP ĐKĐĐ tiếp nhận, cập nhật, xử lý hồ sơ thực hiện thống nhất trên phần mềm “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính ViLis”, phòng Tài chính Kế hoạch sử dụng phần mềm SPO, phòng Tư pháp sử dụng phần mềm DTsoft… Các phần mềm này không liên thông, chia sẻ với nhau dẫn đến chỉ quản lý được hồ sơ đầu vào, còn hồ sơ đầu ra, bộ phận TN&TKQ huyện không quản lý được. Nếu muốn quản lý hồ sơ đầu ra, nhân viên bộ phận TN&TKQ huyện hoặc các phòng, ban chuyên môn phải nhập lại dữ liệu trên phần mềm FPT, trong khi nhân lực không đủ. Do đó, người dân không thể theo dõi hồ sơ của mình đã được xử lý đến đâu, hiện đang “vướng” ở khâu nào. Ông Phan Tiến Thành, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, phụ trách Bộ phận TN&TKQ huyện đề xuất, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần phải toàn diện, đồng bộ, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu trong công tác cải cách hành chính hiện nay.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.