Multimedia Đọc Báo in

Đừng đánh mất cơ hội phát triển của trẻ

11:20, 11/07/2016
Hôm nọ đi siêu thị, tôi thấy một bé gái chừng 5 tuổi nhõng nhẽo đòi mẹ mua đồ chơi, người mẹ không đồng ý bởi ở nhà đã có nhiều món đồ bé yêu thích. Giải thích thế nào bé cũng không chịu mà cứ khóc lóc, nài nỉ mẹ.
 
Không biết phải làm sao, chị đành lấy chiếc điện thoại di động đưa cho con. Bé gái nín ngay lập tức. Đây không phải là trường hợp duy nhất bố mẹ dùng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, iPad để dỗ con làm theo ý mình. Chẳng hạn như gần nhà tôi có một gia đình khá kỹ tính, vì không muốn con ra ngoài chơi sẽ bị té ngã, lấm bẩn chân tay hay lây bệnh từ bạn bè mà bố mẹ đã mua cho 2 con 2 chiếc iPad để chúng suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà thoải mải xem những chương trình hoặc chơi game theo ý thích của mình. 
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hoạt động ngoại khóa.

Thực tế cho thấy, việc trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian xem ti vi, chơi game và các chương trình giải trí trên máy vi tính, điện thoại, iPad đã đánh mất đi cơ hội trải nghiệm thế giới bên ngoài. Thậm chí, nhiều trẻ em đã trở thành “nô lệ” của công nghệ, chúng có thể dành 5-6 giờ hoặc cả ngày ngồi trước màn hình mà không màng đến chuyện ăn, uống. Hậu quả của việc này là trẻ sẽ trở nên thụ động, giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, hung hăng, kỹ năng xã hội và thành tích học tập ngày càng kém. Chính vì dành quá nhiều thời gian cho những thiết bị điện tử nên trẻ không còn hứng thú đi chơi, giao lưu với mọi người hay trải nghiệm, khám phá cuộc sống. Trong khi đó, việc tham gia các trò chơi, sự kiện, hoạt động xã hội rất cần thiết cho sự phát triển thể lực, tâm sinh lý, tính cách, đồng thời hình thành kỹ năng sống, sự chủ động, sáng tạo của trẻ. 

Theo bản năng, trẻ em khi sinh ra luôn thích được khám phá, tìm hiểu mọi vật, mọi việc của thế giới xung quanh. Vì vậy, mỗi bậc cha mẹ đừng vì vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà đánh mất cơ hội phát triển của trẻ. Thay vì dán mắt vào các thiết bị điện tử hay lấy lý do bận rộn với công việc, bố mẹ, người thân hãy dành nhiều thời gian chơi đùa cùng trẻ, đưa các em đi tham gia hoạt động ngoại khóa, nghỉ mát, về quê thăm ông bà hay khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa... Khi được tham gia vào các hoạt động trên, các em sẽ có những trải nghiệm thú vị, khám phá khả năng của bản thân, biết tự đứng dậy khi vấp ngã để thêm tự tin, hòa đồng với bạn bè.
 
Yến Ngọc
 

Bài, ảnh: Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.