Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Gặp khó về chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

11:21, 05/07/2016
Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, để đạt tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) là một khó khăn lớn đối với nhiều địa phương ở huyện Krông Ana; đặc biệt việc thực hiện chỉ tiêu có 45% số hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia lại càng khó hơn.
 
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng đến nay toàn huyện Krông Ana chỉ mới có xã Quảng Điền đạt được tiêu chí số 17, tuy vậy địa phương vẫn phải “nợ” lại chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước sạch. Dù tổng số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt trên 90% nhưng lại chưa có đủ 45% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia. Do đó, để hoàn thành tiêu chí môi trường, hiện nay xã Quảng Điền đang triển khai xây dựng công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (UBND huyện đối ứng 3 tỷ đồng). Dự kiến, đến cuối năm 2016 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động, cấp nước cho khoảng 70% hộ dân trên địa bàn xã.
Người dân buôn Ea Na, xã Ea Na (huyện Krông Ana) khoan giếng phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Người dân buôn Ea Na, xã Ea Na (huyện Krông Ana) khoan giếng phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Đối với xã Bình Hòa, việc thực hiện tiêu chí môi trường đến nay đã hoàn thành khoảng 70%. Ngoài việc đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nghĩa trang, trên 90% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, không có hoạt động gây ô nhiễm môi trường… thì địa phương đang gặp trở ngại về chỉ tiêu số hộ dân được sử dụng nước sạch. Trong tổng số 7 thôn trên địa bàn xã, hầu hết các hộ dân đều sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan, giếng đào), khai thác mạch nước ngầm tầng nông nên chất lượng nguồn nước thường không ổn định, thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng hạn, nhất là ở thôn Hà Châu, Sơn Trà, thôn 1... Riêng ở thôn 6, dù UBND huyện đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho 69 hộ dân (thuộc diện phải di dời vào khu tái định cư) nhưng hiện nay vẫn chưa đưa vào sử dụng do các hộ dân chưa đến ở. Ông Lê Như Diệu, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa bày tỏ: “Không chỉ riêng xã Bình Hòa mà tất cả các địa phương trong huyện đều đang gặp khó trong việc thực hiện chỉ tiêu về nước sạch. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương cũng đã đề xuất xin UBND huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cấp nước cho các hộ dân nhưng hiện vẫn chưa được cấp vốn để thực hiện”.
 
Được biết, trên địa bàn huyện Krông Ana chỉ mới có Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thị trấn Buôn Trấp (hoạt động từ năm 2012) với 4 giếng khoan, 2 bình lọc, 1 bể chứa (dung tích 240 m3) và hệ thống đường ống dài 34 km cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 600 hộ dân thuộc 7 tổ dân phố ở khu vực thị trấn. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng, trong đó, 60% nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch – Vệ sinh môi trường nông thôn, còn lại là vốn đối ứng của UBND huyện và người dân đóng góp. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Krông Ana, xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt được, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã tập trung nguồn lực, đầu tư kinh phí để thực hiện. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã cơ bản đạt được những chỉ tiêu như: tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 85%; các cơ sở sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang nhân dân được quy hoạch, từng bước thực hiện xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải ở các hộ dân được thu gom xử lý theo quy định… Riêng chỉ tiêu về số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia là khó thực hiện nhất, bởi để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất lớn. Anh Tâm cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện cũng đã nhận được kiến nghị xin hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cấp nước của một số địa phương, tuy nhiên do không có nguồn vốn nên chẳng thể nào thực hiện được”.
 
Có thể nói, sử dụng nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nói chung, nhất là người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc huy động nguồn vốn, kể cả sự đóng góp của cộng đồng xã hội để xây dựng công trình cấp nước là việc làm rất cần thiết và cấp bách hiện nay… Bởi nó không chỉ góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà trên hết là giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, tránh được những tác hại do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng.
 
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.