Ngôi nhà chung của những mảnh đời lầm lỡ
11:12, 05/07/2016
Những năm qua Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có nhiều nỗ lực trong công tác cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và đào tạo nghề cho người nghiện ma túy. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung cho những mảnh đời lầm lỡ, tạo cơ hội để họ làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng.
Mới vào Trung tâm được 2 tháng, song học viên N.B.Y. đã tăng 7 kg, trông khỏe khoắn, linh hoạt và rất lạc quan, yêu đời. Em hồ hởi: “Đó là nhờ em tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị cùng chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ của Trung tâm”. Trước đây, khi mới 19 tuổi, N.B.Y đã vướng vào ma túy, trung bình mỗi ngày phải “đốt” khoảng 1 triệu đồng để thỏa mãn cơn nghiện. Tháng 4-2016, được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, em vào Trung tâm để cai nghiện. Ban đầu N.B.Y còn có thái độ tự ti, mặc cảm ngại giao tiếp với cán bộ Trung tâm, tuy nhiên sau một thời gian em dần cảm nhận được sự quan tâm, động viên chân thành của các thầy cô dành cho mình nên sẵn sàng hợp tác điều trị và cắt được cơn nghiện.
Tương tự N.B.Y, anh B.A.T cũng vừa vào Trung tâm được 3 tháng và đã cắt được cơn nghiện, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần phấn chấn, không còn cảm giác “đói” thuốc. Anh kể, anh nghiện ma túy từ năm 2008, bản thân đã nhiều lần cai nghiện ở nhà nhưng không thành công. Song kể từ khi vào Trung tâm, được các thầy cô giúp đỡ, phân tích, anh đã tỉnh ngộ, quyết tâm cai nghiện để trở về với gia đình. “Tôi rất cảm kích tấm lòng của những cán bộ Trung tâm khi đã tạo môi trường giúp tôi lao động, sinh hoạt với những người cùng cảnh ngộ để chúng tôi vượt qua mặc cảm, có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội”, anh trải lòng.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi sau khi cai nghiện, trở về tái hòa nhập với cộng đồng là mọi người đừng nhìn bằng ánh mắt kỳ thị và sẵn sàng đón nhận, tạo cơ hội để chúng tôi làm lại cuộc đời
(Anh B.A.T)
|
Cùng cảnh ngộ, em N.T.L cũng là một “đệ tử” của “nàng tiên nâu”. Em kể trước đây em là vốn một DJ chỉnh nhạc ở các vũ trường, quán bar và nghiện đã 4 năm. Em đã nhiều lần cai nghiện nhưng không thành công, đôi lúc cảm thấy cuộc đời bế tắc, không lối thoát, nhưng từ khi vào Trung tâm, được các thầy cô gần gũi động viên, giúp đỡ, N.T.L đã dần lấy lại tinh thần, hiện đang theo học nghề may mặc, với hy vọng sẽ có một công ăn việc làm ổn định sau này.
Phó giám đốc Trung tâm Mai Ngọc Quang cho biết: Hiện Trung tâm đang điều trị cho hơn 300 học viên, tất cả đều thuộc diện bắt buộc cai nghiện hoặc cai nghiện tự nguyện. Ngay khi tiếp nhận học viên, song song với việc tổ chức kiểm tra sức khoẻ, đánh giá mức độ nghiện, Trung tâm tiến hành nghiên cứu hồ sơ để có cơ sở phân loại học viên theo từng nhóm đối tượng … từ đó đưa ra biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp. Thông thường học viên được điều trị cắt cơn giải độc trong 7 ngày, sau đó được chuyển sang phòng hồi sức trước khi đưa về các tổ, đội. Đây là quãng thời gian thử thách cam go nhất đối với tất cả cán bộ Trung tâm, đòi hỏi mỗi người phải rất kiên trì, tâm huyết với công việc. Họ như những người bạn, luôn gần gũi, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ vui buồn với học viên để tạo sự đồng cảm, qua đó nhận được sự hợp tác tích cực từ phía các học viên. “Khi điều trị cắt cơn, các em thường có những biểu hiện cáu gắt, la hét đập phá, chửi bới, thậm chí còn manh động, hành hung người trực tiếp điều trị. Khi gặp những trường hợp ấy, chúng tôi vẫn nhẹ nhàng, luôn đồng hành bên cạnh để động viên, giúp các em vượt qua thời điểm thử thách khắc nghiệt”, y sĩ Mai Thị Vui, có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với công việc chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài việc điều trị cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, công tác đào tạo nghề, tổ chức các hoạt động lao động trị liệu cũng được Trung tâm chú trọng, theo phương châm “lấy dạy nghề và lao động sản xuất để quản lý học viên và giúp học viên phục hồi sức khỏe”. Trung tâm kết hợp với một số nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy các nghề phổ thông, như: mộc, may, cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi cho 100% học viên. Học viên N.H.P đang theo học nghề mộc chia sẻ: “Tôi đang phấn đấu rèn tay nghề thật tốt để sau khi cai nghiện trở về có một việc làm ổn định. Tôi được biết nhiều anh chị từng được cai nghiện, đào tạo nghề ở đây giờ đã có việc làm, như các anh Phức ở Ea Súp, anh Hiếu ở Buôn Ma Thuột…”. Còn ông Mai Ngọc Quang thì cho rằng, với việc trang bị cho học viên một nghề phù hợp sẽ giúp họ sau khi cai nghiện có một “hành trang” cần thiết để làm lại cuộc đời, thêm tin yêu vào cuộc sống.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc