Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng sâu (Kỳ cuối)

11:07, 15/07/2016
[links()]
Kỳ cuối: Mấu chốt là thay đổi nhận thức
 
Để thực hiện được mục tiêu mà Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh đề ra, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng.
 
Kiên trì tuyên truyền, vận động 
 
Thời gian qua, hoạt động truyền thông về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện bằng nhiều hình thức: tổ chức tuyên truyền tại cộng đồng dân cư; tư vấn trực tiếp cho các đối tượng; phối hợp với Tỉnh Đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tuyên truyền cho thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng... Chỉ tính riêng năm 2015, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện được 590 buổi tuyên truyền, tư vấn, vận động tại cộng đồng về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; 690 lượt truyền thanh; cấp phát 11.700 tờ rơi, tài liệu liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; duy trì các điểm truyền thông, tư vấn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại 15 trạm y tế xã... 
Cán bộ dân số của tỉnh và huyện Krông Ana tuyên truyền trực tiếp tại gia đình cho người dân xã Dur Kmăl.
Cán bộ dân số của tỉnh và huyện Krông Ana tuyên truyền trực tiếp tại gia đình cho người dân xã Dur Kmăl.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, trong 7 năm (2009-2015), toàn tỉnh có 1.090 cặp vợ chồng tảo hôn, 44 cặp kết hôn cận huyết thống. Như vậy, con số này vẫn còn khá cao và từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, muốn đẩy lùi được tình trạng này vấn đề mấu chốt là phải thay đổi nhận thức của người dân. Song, để thay đổi được những quan niệm lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống thì công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài. Theo bà H’Lê Niê, Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), trong hoạt động tại cơ sở, ngoài lực lượng cán bộ dân số cần phát huy vai trò của cán bộ thôn, buôn, già làng và người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động. Quá trình tuyên truyền vận động phải kiên trì, tuyên truyền một lần không thành công thì phải tìm đến nhiều lần, nhiều lần không được phải báo cáo lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp bằng pháp luật. Có như vậy thì những gia đình, dòng họ có tư tưởng, tập tục lạc hậu về hôn nhân mới thay đổi quan niệm. 

Tăng cường nguồn lực thông qua các mô hình, đề án  
 
Một trong những mục tiêu cơ bản mà ngành Dân số tập trung thực hiện trong những năm qua là nâng cao chất lượng dân số cả về mặt thể chất, trí tuệ và tinh thần, trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng dân số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, để tạo nguồn lực mạnh mẽ cho việc thực hiện mục tiêu này, ngoài mô hình “Can thiệp làm giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) triển khai tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (gồm Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Đắk Lắk) từ năm 2009, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025. Và Đề án này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm bình quân 2 - 3%/ năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
 
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, để đạt được những mục tiêu trên, các giải pháp sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa; tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng...
 
Kim Oanh – Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.