Nhức nhối tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng sâu (Kỳ II)
16:48, 13/07/2016
[links()]
Kỳ II: Vẫn còn nhiều trăn trở
Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số của địa phương. Song, làm thế nào để cải thiện tình trạng này vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở…
Phép vua thua… hủ tục!
Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Quy định là vậy, song tại các địa phương trong tỉnh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra, xuất phát từ hủ tục, quan niệm. Đơn cử như tại huyện Krông Pắc, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng tảo hôn thường xảy ra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua thực tế ở thôn 7A (xã Ea Phê) nhận thấy, việc dựng vợ, gả chồng cho con ở tuổi vị thành niên là lẽ thường tình, bởi hầu hết người dân tộc Tày, Nùng ở đây đều cho rằng, con trai quá 16 tuổi chưa hỏi vợ, dân làng sẽ nghĩ là lêu lổng, không tu chí làm ăn, còn con gái 14, 15 tuổi chưa lấy chồng sẽ bị coi là “gái già” không ai thèm hỏi tới... Trao đổi với ông Bùi Phụng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Krông Pắc, được biết: “Tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do quan niệm lạc hậu của người dân, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà điều này thì khó có thể xóa bỏ ngay được bởi nó đã có từ rất lâu, thậm chí “di truyền” từ đời này sang đời khác. Nguyên nhân thứ 2 là một bộ phận trẻ vị thành niên trên địa bàn thường có quan hệ yêu đương sớm và khi có thai ngoài ý muốn thì đặt cha mẹ vào tình thế đã rồi nên dù chưa đủ tuổi kết hôn thì họ vẫn phải tổ chức cưới để hợp thức hóa cho con trẻ”.
Còn tại huyện Lắk, sở dĩ có nhiều trường hợp kết hôn cận huyện thống xảy ra tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số là bởi những hủ tục được truyền từ đời trước đến đời sau. Một số người dân ở buôn Ranh B, buôn Bàng (xã Đắk Liêng) cho biết, họ đã được thế hệ đi trước răn dạy chỉ có họ hàng cùng dòng máu lấy nhau thì mới thương yêu nhau, mới giữ được của cải vật chất trong nhà, không mang của cải sang họ khác. Chính vì thế, khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, họ chỉ cần tìm đối tượng phù hợp trong dòng tộc mà gả cưới, không cần biết hậu quả lâu dài là gì. Cũng bởi những hủ tục ấy đã bám sâu vào tiềm thức của người dân nên tại 10 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ trên địa bàn xã Đắk Liêng, hầu như buôn nào cũng có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Lồng ghép tuyên truyền về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trong sinh hoạt phụ nữ tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng. |
Công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao
Trước tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn diễn biến phức tạp và là một trong những tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao trong cả nước, năm 2009, Đắk Lắk được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Can thiệp làm giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số” tại 4 xã được xem là điểm nóng trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Pắc. Đến năm 2015, mô hình đã được nhân rộng tại 39 xã của 8 huyện, gồm: Krông Pắc, Lắk, Krông Ana, Krông Năng, Ea Kar, M’Đrắk, Ea H’leo, Buôn Đôn. Mục đích của mô hình là tăng cường sự hiểu biết, nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội; những người có uy tín trong cộng đồng; các bậc cha, mẹ; những người trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên, thanh niên về nội dung: chính sách dân số, Luật Hôn nhân và gia đình, quy định về tuổi đăng ký kết hôn, hậu quả của tảo hôn, hệ lụy của kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình; giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống của người dân nhằm làm giảm thiểu trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Việc triển khai mô hình bước đầu đã huy động chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở địa phương cùng vào cuộc tham gia tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức tiến tới thay đổi hành vi của người dân. Song, nhìn nhận trên thực tế, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thậm chí ngay cả ở những địa bàn triển khai mô hình vẫn tiếp diễn.
Chia sẻ về vấn đề này, bà H’Lê Niê, Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai mô hình đó là vấn đề nhận thức. Khi cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống họ vẫn lắng nghe nhưng nghe rồi để đó chứ không thực hiện mà vẫn tuân theo hủ tục không sớm dễ bỏ được. Ngoài ra, lực lượng cán bộ dân số ở cơ sở còn mỏng, trong khi địa bàn rộng, dân cư ở rải rác, thậm chí đồng bào dân tộc H’mông tại một số nơi còn ở những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận nên việc triển khai mô hình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…
Rõ ràng, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được xem là một trong những vấn đề đáng lo ngại của xã hội hiện nay. Thế nhưng, làm thế nào để xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, thay đổi được nhận thức của người dân vẫn là bài toán khó.
(còn nữa)
Kỳ cuối: Mấu chốt là thay đổi nhận thức
Kim Oanh – Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc