Multimedia Đọc Báo in

Những người "sống cùng liệt sỹ"

09:46, 25/07/2016

Không kể nắng, mưa, chẳng quản nhọc nhằn, ngày ngày hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh vẫn được chăm sóc cẩn thận, chu đáo với tấm lòng tri ân sâu sắc của những con người thầm lặng “sống cùng liệt sỹ”...

Miệt mài với công việc quản trang

Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh rộng khoảng hơn 9 ha với hàng trăm cây cảnh, công trình tượng đài và hàng nghìn ngôi mộ nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, mát mẻ, thoáng đãng, nghiêm trang là nhờ những bàn tay của các anh chị trong Tổ quản trang vẫn ngày ngày lặng thầm chăm sóc. Khối lượng công việc nhiều, nhưng chỉ có 6 người nên các anh chị lúc nào cũng bận rộn. Ngoài công việc chăm sóc các ngôi mộ, chăm sóc cây cảnh, bảo vệ nghĩa trang ra thì việc tiếp đón thân nhân liệt sỹ là chuyện thường ngày phải làm. Anh Trần Thiện Thắng - người có thâm niên làm công việc quản trang tại đây gần 15 năm cho biết: Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh có gần 2.200 ngôi mộ; trong đó có khoảng 400 mộ chưa xác định được tính danh. Với 6 thành viên, trong đó có 1 người nữ và cũng là Tổ trưởng – chị Trần Thị Hoa, Tổ quản trang chia làm 3 ca thay phiên nhau trực. Hầu hết mọi người đều có thâm niên hơn 10 năm làm công việc này: chị Trần Thị Hoa làm từ năm 2003; anh Nguyễn Xuân Hòa làm từ năm 2006; anh Đỗ Viết Mão làm từ năm 2005; anh Nguyễn Quốc Toản làm từ năm 2003; chỉ riêng anh Từ Công Vinh mới nhận công tác từ năm 2013. Tuy công việc lặng thầm, thu nhập không cao (chỉ khoảng hơn hai đến ba triệu đồng/tháng) nhưng lại được các anh chị quý trọng bằng cả tấm lòng. “Công việc quản trang có nhiều đặc thù, khác với các công việc khác, anh chị em chúng tôi luôn tự hào, tận tâm; ai cũng đều xác định đây vừa là trách nhiệm, vừa là việc làm để tri ân những Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc...”, anh Thắng tâm sự.

Anh Trần Thiện Thắng chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.
Anh Trần Thiện Thắng chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.

Những ngày tháng 7 này, người đến Nghĩa trang cũng đông hơn; có người tìm về Nghĩa trang như tìm về cội nguồn; có người đến thăm viếng mộ của thân nhân; có người đến rồi đi trong nỗi thất vọng vì chưa tìm được phần mộ, rồi lại hy vọng linh hồn người đã khuất được chăm sóc, hương hoa nhờ bàn tay của những người không phải là bà con ruột thịt... “Thường thì trong tháng 7 và các dịp lễ tết, công việc nhiều hơn, mệt nhọc hơn, nhưng chúng tôi càng cố gắng nhiều hơn với mong muốn chia sẻ bớt những nỗi niềm với thân nhân các liệt sỹ. Hằng ngày tiếp xúc với người đến – người đi, chúng tôi cũng cảm thấy vui khi họ vì tìm thấy mộ liệt sỹ; trong lòng cũng dâng trào cảm xúc khi nhìn thấy những giọt nước mắt lúc họ khóc nhớ thương người thân...”, anh Nguyễn Xuân Hòa, thành viên Tổ quản trang chia sẻ.

Tình cảm đối đãi giữa những con người với nhau ở đây cứ giản dị như thế, chỉ là một lời nói động viên, một cái siết tay thật chặt cùng sự đón tiếp nồng hậu và cả sự cần mẫn với công việc của các thành viên Tổ quản trang đã là một sự chia sẻ, an ủi, làm yên lòng thân nhân các liệt sỹ khi tìm về nghĩa trang này... 

Những tấm lòng tri ân liệt sỹ

Không khi nào vắng mặt trong các lễ viếng, truy điệu hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh; trong các ngày lễ lớn của đất nước, đó là Đội Tâm linh với những việc làm giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn mà Đội thực hiện gần 10 năm qua.

Thành viên Đội Tâm linh thắp nhang tại Đài tưởng niệm.
Thành viên Đội Tâm linh thắp nhang tại Đài tưởng niệm.

Là tên gọi tự phát “Đội Tâm linh” được thành lập với sự tham gia tự nguyện của những người cùng chung tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các Anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Từ khi thành lập năm 2008 với 12 người mà khởi đầu là bà Trương Thị Nghiên – cựu thanh niên xung phong, hiện đang sống tại tổ dân phố 5, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, đến nay số thành viên của Đội ngày càng được mở rộng và đã lên đến 85 người. Thành phần tham gia Đội rất đa dạng, gồm: thanh niên xung phong, cựu chiến binh, giáo viên, tiểu thương, cán bộ hưu trí, người làm nội trợ... và chủ yếu là các bà, các mẹ, các chị sinh sống ở các tổ dân phố 5, 7, 8, 10 của phường Tân Lập – khu vực xung quanh Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh. Trong đó người trẻ nhất khoảng 40 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng đã vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”; đặc biệt có một số người là thân nhân liệt sỹ như các bà, các chị: Lê Thị Hoa, Nguyễn Thị Nhặng, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Minh, Đinh Thị Vòng...

Không ồn ào, phô trương, mà chỉ lặng thầm làm vì cái tâm, vì sự tri ân, tưởng nhớ, mỗi khi đến các ngày lễ cúng, các thành viên trong Đội lại tập trung, tự nguyện đóng góp, chuẩn bị đồ cúng và hương khói cho các liệt sỹ như người thân của mình - cũng đầy đủ bánh kẹo, trái cây, xôi, gà, hương, hoa... dâng lên anh linh các liệt sỹ. Mỗi năm các thành viên trong Đội tổ chức cúng, thắp nhang cho các liệt sỹ ở Nghĩa trang khoảng gần chục lần, trong đó có 3 lần cúng lớn vào các dịp đầu năm mới, Ngày Thương binh Liệt sỹ và rằm tháng 7. Không quản nắng, mưa, từng người, từng người cứ tỏa đi thắp nhang trên gần 2.200 ngôi mộ tại Nghĩa trang, không bỏ sót một ngôi mộ nào.

Nói về việc hoạt động của Đội, bà Trương Thị Nghiên khiêm tốn cho biết: “Đa số các liệt sỹ ở đây đều có người thân ở xa không thể thăm nom, nhang khói, nhiều ngôi mộ còn khuyết danh nên chúng tôi muốn thay người thân hương khói cho các anh được ấm lòng nơi chín suối. Đây cũng chỉ là một chút công sức, thể hiện sự tri ân đối với những người đã ngã xuống cho mình được sống, được hưởng hòa bình, hạnh phúc, no ấm ngày hôm nay...”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.