7 nguyên tắc cuộc đời ai cũng biết nhưng ít được áp dụng
1. Không vất vả không thành công
Đây là nguyên tắc chứa đựng 100% sự thật "Không vất vả, không thành công". Muốn thành công, trước tiên mọi người cần phải lao động, đừng né tránh việc khó, hãy tự rèn luyện mình để chịu đựng khó khăn, kể cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu cơ bắp không hoạt động thì chính nó sẽ suy yếu. Nếu não bộ không hoạt động thì nó sẽ trì trệ. Con người nếu không thử nghiệm khả năng thì bản thân tự bị đào thải, trở nên nhu nhược.
2. Đừng nhìn cái gì cũng tiêu cực
Nguyên tắc thứ hai này ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai quan tâm, tránh xa. Có nhiều người luôn bi quan "mọi lúc, mọi nơi, mọi việc". Nhóm người này nhìn cái gì cũng thấy tiêu cực, bi quan, nhìn xã hội qua lăng kính xám xịt, ở đâu cũng thấy dối trá, ganh đua, bắt nạt hay lừa đảo… Hãy nhớ, một xã hội dù hiện đại hay lạc hậu, cái tốt cái xấu vẫn song hành diễn ra. Nhưng bản thân, muốn thành công hãy duy trì cuộc sống tích cực, lành mạnh, hạn chế ý nghĩ bi quan, giữ mình tránh xa khỏi bị “phơi nhiễm” với những quan điểm tiêu cực. Nên duy trì cuộc sống lạc quan sẽ mang lại "lợi nhiều hơn hại". Ví dụ, hãy nhìn mặt tốt của nhau, đừng làm tổn thương mình và tổn thương người, sống vị tha, tha thứ, mọi cái rồi sẽ thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn, quy luật là phát triển.
3. Hãy cho nhiều hơn nhận
“Cho nhiều hơn nhận” là nguyên tắc được ví như kim chỉ nam, giống như một đứa trẻ được chăm sóc từ khi mới lọt lòng, ngay cả không gặp may nó cũng cần đến nhiều thứ như tình thương, giáo dục, đồ ăn, thức uống... Đáng tiếc, lòng tham của con người lại xuất hiện ngay từ tuổi ấu thơ, chỉ muốn nhận mà không muốn cho, tính xấu này bám chặt, đeo đẳng con người trong suốt cả cuộc đời, trở thành phạm trù cực kỳ khó khăn khi thực hành, dẫn đến nhiều hệ lụy khó tránh. Thay vì chỉ nhận, mọi người hãy bắt đầu cho đi nhiều hơn. Và đừng ngạc nhiên, chính chúng ta cũng sẽ nhận được nhiều hơn bởi hiệu ứng của việc làm này sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, giá trị hơn.
4. Thời gian còn quý hơn tiền bạc
Theo các nghiên cứu khoa học, trong tất cả các nguồn tài nguyên thì thời gian là tài nguyên quý giá nhất mà con người có được. Thực tế, con người lại hoang phí thời gian một cách vô ý thức, thậm chí còn xem nó là vô tận. Để có cuộc sống hữu ích, hạnh phuúc, mọi người nên sử dụng quỹ thời gian hợp lý bởi thời gian trôi đi không bao giờ lấy lại được. Ai cũng có thể kiếm lại được số tiền đã tiêu nhưng không bao giờ kiếm lại được thời gian đã mất. "Ngày mai sẽ không lấy lại được buổi chiều hôm nay", đó chính là điều nhắc nhở mọi người đừng để mất thời gian một cách hoang phí.
5. Tạo con đường riêng cho chính mình
Chúng ta thường nhìn người khác như bố mẹ, anh chị em, bạn bè, sếp, thầy cô, nhà văn, doanh nhân hay nghệ sĩ... làm gương để noi theo. Khiêm tốn là đức tính quý nhưng đây cũng là nhược điểm cố hữu bởi chúng ta không phải họ, nếu học hỏi họ chưa chắc chúng ta đã thành công. Đơn giản, chúng ta là chúng ta; hãy tạo cho mình một con đường riêng hợp với tính cách, khả năng, sở thích của mình, có như thế mới phát huy được nội lực vốn có. Nếu đi trên con đường được người khác tạo dựng hay "bắt chước" thì sẽ trơn tru hơn nhưng không thỏa mãn, không thoải mái. Đi trên con đường riêng, bạn sẽ tới được những vùng đất mới, khám phá nhiều điều người khác chưa biết, phát huy tính sáng tạo, tăng "cái tôi", giúp cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa.
6. Hãy làm những gì cuộc sống mong đợi
Hãy tưởng tượng, cuộc sống là một sự ngẫu nhiên. Tại sao cha mẹ lại sinh ra chúng ta? Tại sao chúng ta lại sống ở đây? Tại sao chúng ta lại bị bắt nạt khi đến trường? Và còn vô vàn câu hỏi tại sao khác mà chưa có câu trả lời thoả đáng. Thay vì mong đợi những gì to tát, mọi người hãy chấp nhận thực tế, không nên hỏi tại sao mà hãy hãy nhìn nhận theo cách cuộc đời đều có lý do của nó. Và quan trọng hơn hãy sống, làm việc và chơi hết mình. Hãy cố gắng làm những gì cuộc sống đang mong đợi chúng ta.
7. Cuộc sống luôn đi theo một hướng
Mọi người có thể suy tư, sống theo ba chiều thời gian khác nhau, như quá khứ, tương lai và hiện tại. Nếu sống trong quá khứ, chúng ta luôn bị mắc kẹt trong cơ chế "tại sao?" có nghĩa là luôn bị dằn vặt xung quanh câu hỏi này, công thức của sự bất hạnh. Nếu sống trong tương lai, chúng ta sẽ mắc kẹt với câu hỏi “sẽ ra sao?" - đây là trạng thái lo lắng về mọi thứ trong tương lai, công thức của sự sợ hãi. Mọi người đều biết chỉ có một chiều thời gian thực, đó là hiện tại, vì vậy tại sao chúng ta không sống với hiện tại. Mọi người có thể "thoát" được quá khứ và tương lai nếu hiểu được điều này, cuộc sống luôn di chuyển về phía trước, bất luận chúng ta nghĩ gì hay làm gì, vì vậy đừng lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ mà bản thân không thể kiểm soát được.
Có thể nói, 7 nguyên tắc trên đều có một mục tiêu duy nhất là giúp chúng ta tận hưởng nhiều thứ nhất từ cuộc đời, và đây cũng là mục tiêu giá trị nhất trong cuộc sống của mỗi người.
Nguyễn Duy Hùng
(Dịch từ Huffingtonpost- 8/2016)
Ý kiến bạn đọc