Multimedia Đọc Báo in

Chung tấm lòng sẻ chia nỗi đau da cam

09:11, 10/08/2016

Bằng những việc làm, hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân đạo của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp thêm động lực, niềm tin giúp các nạn nhân và gia đình họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ thiết thực

Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam – Quảng Ngãi từ năm 1965 đến 1973, ông Dương Đại Vạn (dân tộc Nùng) ở thôn Yuk La 3 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã gánh chịu hậu quả nặng nề khi trở thành thương binh với tỷ lệ thương tật 46% và nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau da cam càng nhân lên khi 3 trong số 5 người con của ông cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, trong đó có anh Dương Văn Quyền bị điếc bẩm sinh. Tuy cũng có gia đình riêng nhưng do sức khỏe của anh Quyền ngày càng yếu, thường xuyên đau ốm, mọi việc nương rẫy chủ yếu do vợ lo liệu. Thêm vào đó, con gái thứ 2 của anh cũng chậm phát triển trí tuệ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Căn nhà gỗ cũ rộng chừng 30 m2 là nơi sinh sống của gia đình anh và cả vợ chồng ông Vạn hơn hơn 20 năm qua đến nay đã mục nát, xiêu vẹo, phải dùng bạt che chắn lại. Chia sẻ khó khăn đó, năm 2015, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng, Ủy ban MTTQVN huyện Lắk 5 triệu đồng, gia đình, dòng họ đóng góp thêm tiền, ngày công xây dựng căn nhà Tình nghĩa khang trang, rộng gần 100 m2 và được bàn giao trước Tết Nguyên đán 2016. Ngày nhận bàn giao căn nhà mới, chính quyền địa phương, người thân, hàng xóm cùng đến chia vui, mừng cho mơ ước của gia đình ông thành hiện thực.

Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm bàn giao nhà Tình nghĩa  tặng gia đình anh Dương Văn Quyền.
Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm bàn giao nhà Tình nghĩa tặng gia đình anh Dương Văn Quyền.

Sau những năm cống hiến tuổi trẻ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Hoài (tổ dân phố 1, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) không thể ngờ mình và gia đình lại phải gánh chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam. 

“Mỗi lần nhìn con quằn quại trong cơn đau, lòng tôi se thắt, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong để còn chăm sóc, lo cho nó miếng ăn, giấc ngủ. Nếu không bị ảnh hưởng của thứ chất độc quái ác kia thì có lẽ giờ này nó đã có gia đình riêng và vợ chồng tôi cũng có cháu bế bồng”, bà Hoài nghẹn ngào. 

Lúc mới sinh, cháu Đoàn Văn Chương (SN 1984) - con trai đầu của bà cũng bụ bẫm, đáng yêu như bao đứa trẻ khác nhưng khi được 4 tháng tuổi thì có dấu hiệu bất thường về cử động cổ và phản xạ mắt. Vợ chồng bà đưa con đi khám, chạy chữa khắp nơi nhưng mọi hy vọng đều bị dập tắt khi các bác sĩ kết luận cháu bị bệnh bại não do ảnh hưởng của chất độc da cam từ mẹ. Tuổi lớn dần, Chương chỉ nằm bất động, chân tay co quắp, thường xuyên lên cơn co giật. Ông Đoàn Văn Tuất - chồng bà cũng từng phục vụ 8 năm trong quân ngũ, hiện nay sức khỏe yếu, 3 lần bị tai biến, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay bà gánh vác. Với mong muốn chia sẻ bớt khó khăn, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp và chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tiền giúp gia đình có thêm điều kiện chăm sóc, thuốc men cho cháu.

Chung tấm lòng sẻ chia

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 5.625 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 235 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên đều rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ, nghèo đói. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng nên cái vòng luẩn quẩn “da cam - bệnh tật - nghèo khổ” cứ bám riết họ. Để chia sẻ nỗi đau đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, 15 huyện, thị xã, thành phố và 57 xã, phường, thị trấn với 3.746 hội viên. Thông qua Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức chính trị -  xã hội, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trên 5,6 tỷ đồng. Trong số những mạnh thường quân tiêu biểu phải kể đến các đơn vị: Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Đắk Lắk, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty Cà phê Đắk Man và nhiều cá nhân hảo tâm, gắn bó thường xuyên với Hội như: ông Huỳnh Văn Cần (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk), bà Võ Thị Liên (nguyên Phó Ban Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk) và nhiều cán bộ, hội viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh… Từ nguồn quỹ huy động được, những năm qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 70 căn nhà Tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng trị giá gần 4 tỷ đồng; trao học bổng, xe lăn, dụng cụ trợ giúp, sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam.

32 năm qua mẹ con bà Nguyễn Thị Hoài phải vật lộn với nỗi đau chất độc da cam
32 năm qua mẹ con bà Nguyễn Thị Hoài phải vật lộn với nỗi đau chất độc da cam.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau da cam vẫn cứ hiện hữu, tiếp diễn, dày vò về thể xác, tinh thần của các đối tượng bị phơi nhiễm. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực hạn chế nên số đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng các chương trình, dự án cho nạn nhân chất độc da cam còn quá ít so với khó khăn mà các gia đình nạn nhân đang gặp phải. “Để góp phần xoa dịu nỗi đau, đem lại sự ấm áp, niềm tin, động lực giúp các nạn nhân chất độc da cam vươn lên, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin trong tỉnh rất mong nhận được nhiều hơn nữa tấm lòng hảo tâm cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ nguồn lực của cả cộng đồng”, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Ngô Song Hào mong muốn.         

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc