Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Buôn Đôn: Hiệu quả chưa cao
Do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956) trên địa bàn huyện Buôn Đôn đạt kết quả thấp. Làm thế nào để đề án phát huy hiệu quả đang thực sự là bài toán khó đối với địa phương.
Thiết bị dạy nghề may công nghiệp của Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. |
Mặc dù đã học xong Trung cấp Dược nhưng do chưa xin được việc làm nên em Nguyễn Thị Mộng Ly (buôn Ea M’tha 1, xã Ea Nuôl) đăng ký học lớp dạy nghề may dân dụng của Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn tổ chức. “Lớp học được tổ chức ngay tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn nên dù thời gian học kéo dài 6 tháng nhưng rất thuận tiện cho học viên. Chúng em không phải đi xa, vừa học, vừa phụ giúp được công việc gia đình Ly cho biết. Sau khi hoàn thành khóa học, Ly đã tận dụng chiếc máy may cũ của bà ngoại để mở dịch vụ sửa chữa quần áo ngay tại nhà, kiếm thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Không chỉ có Ly, một số học viên khác cũng đã tự tạo việc làm hoặc mở rộng quy mô sản xuất sau khi học nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện. Chẳng hạn như: gia đình ông Nguyễn Văn Kế, bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) đã mở rộng quy mô trang trại lên 20-50 heo nái, 300-500 heo thịt; hộ ông Vương Văn Bằng (thôn Sình Mây, xã Cuôr Knia) đã phát triển trang trại lên 70 heo nái, 350 heo thịt theo quy trình chăn nuôi khép kín, có hầm biogas xử lý chất thải…
Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn được đầu tư xây dựng khang trang. |
Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn được thành lập năm 2010, đến năm 2013 mới hoàn thành việc xây dựng cơ bản với tổng kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng. Qua tìm hiểu được biết, ngoài những lớp bắt buộc phải tổ chức ngay tại Trung tâm còn lại đều được đưa về thôn, buôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đăng ký học. Nhưng trên thực tế, số lao động nông thôn của huyện được học nghề miễn phí theo Đề án 1956 thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956 (2012-2016), toàn huyện mới chỉ tổ chức được 25 lớp dạy các nghề: chăn nuôi, trồng trọt, may dân dụng, may công nghiệp, xây dựng dân dụng cho 804 lao động nông thôn. Riêng trong năm 2016, qua khảo sát, toàn huyện có khoảng 240 người đăng ký 8 lớp học nghề nhưng Trung tâm chỉ được phân bổ kinh phí tổ chức 4 lớp, trong đó có 3 lớp dạy nghề nông nghiệp, 1 lớp dạy nghề phi nông nghiệp. Hơn nữa, số lao động nông thôn sau đào tạo làm đúng với nghề đã học, tự tạo việc làm còn ít hoặc chưa chuyển đổi được nghề nghiệp theo định hướng đề ra mà chủ yếu là làm nghề cũ với năng suất, chất lượng cao hơn.
Em Nguyễn Thị Mộng Ly nhận sửa chữa quần áo kiếm thêm thu nhập sau khi học nghề may dân dụng. |
Ông Phạm Văn Tuẩn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Buôn Đôn cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, liên tục nên nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách này hoặc chỉ đăng ký học nghề theo phong trào gây khó khăn cho hoạt động tuyển sinh. Các ngành chức năng của huyện và một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm sâu sát đến công tác đào tạo nghề nên không chủ động khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để tham mưu xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện. Trong khi đó, hiện Trung tâm chỉ có 2 giáo viên cơ hữu, số còn lại phải hợp đồng thêm nên rất bị động trong việc tổ chức lớp học. Nguồn kinh phí đào tạo được cấp hằng năm ít và phân bổ chậm, chưa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Y Si Thắt Ksơr, để gỡ khó cho công tác đào tạo nghề, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Buôn Đôn sẽ tăng cường liên kết đào tạo với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh nhằm tranh thủ đội ngũ giáo viên, chỉ tiêu và kinh phí đào tạo từ các trường liên kết. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo các cấp trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo và phối hợp thực hiện; tăng cường quản lý lĩnh vực dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhu cầu thị trường lao động và tiềm lực của địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc