Multimedia Đọc Báo in

Người cán bộ tận tâm với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

06:45, 13/08/2016

Với cương vị là Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, chị Đinh Thị Danh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, cấp ủy chi bộ do chị lãnh đạo luôn chú trọng triển khai học tập các chuyên đề theo từng năm; chi bộ và đảng viên xây dựng chuẩn mực đạo đức gắn với từng chuyên đề, đăng ký chương trình hành động, coi đó là căn cứ để phân loại đảng viên hằng năm… Nhờ vậy, trong những năm qua, chị Danh và Chi bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

              Thực hành trồng nấm tại  Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana.
Thực hành trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana.

 Trong 5 năm qua, với vai trò, trách nhiệm được giao, chị cùng với tập thể Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Ana đã tham mưu nhiều giải pháp hiệu quả trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, như: triển khai hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán cho hơn 3.200 hộ nghèo (theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); tổ chức nhiều cuộc đối thoại với sự tham gia của gần 2.000 hộ nghèo để kịp thời tìm ra các biện pháp giảm nghèo phù hợp; hoàn thành trước 2 năm kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 cho 644 hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo từ 3,7% - 4,79% mỗi năm, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (là 3%/năm)… Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề của huyện, chị Danh luôn trăn trở làm sao vừa bảo đảm công tác chuyên môn của Trung tâm vừa xây dựng Chi bộ ngày càng vững mạnh, trở thành điểm sáng về công tác đào tạo nghề nông thôn của tỉnh. Từ thực tiễn ở địa phương, chị đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, lịch học linh hoạt, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, năng lực của lao động nông thôn như: tuyển sinh vào lúc 17 giờ chiều sau giờ làm việc, lịch học của các lớp được tổ chức theo tiến độ sinh trưởng của cây, theo mùa vụ… Trong 2 năm (2014 - 2015), Trung tâm đã mở được 107 lớp dạy nghề với gần 3.300 học viên, trong đó có 10 lớp tổ chức tại các huyện khác. Qua đào tạo, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, như việc hình thành 40 tổ hợp xây dựng, trong đó có 21 tổ hợp là của thanh niên người dân tộc thiểu số tại các buôn, mỗi tổ từ 5 - 10 thành viên, có thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/tháng; duy trì trên 100 mô hình ứng dụng sản xuất như: trồng và khai thác nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng… tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, trong đó mô hình trồng nấm thương phẩm và nấm dược liệu đã thu về từ 2 - 3 tỷ đồng/năm. Trung tâm còn chú trọng triển khai nhiều hoạt động xã hội như: học viên Trung tâm đã đóng góp hơn 1.000 ngày công để hỗ trợ xây dựng 15 căn nhà, may tặng trên 2.000 bộ quần áo cho các đối tượng chính sách, người nghèo; xây 7 trại nấm, 6 bể ủ rơm và sửa chữa miễn phí 600 xe máy ở các thôn, buôn…

Bên cạnh đó, chị Danh còn có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu, ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, như: Sáng kiến đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng mô hình điểm sau đào tạo nghề…; hay đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu nhân rộng mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại huyện Krông Ana tiết kiệm được 50% nguyên liệu, diện tích và công chăm sóc, năng suất tăng từ 2 - 3 lần, chủ động sản xuất quanh năm, phòng tránh sâu bệnh và cho thu nhập cao, ổn định… Nhờ đề tài này, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy về ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nhân giống nấm ăn, nấm dược liệu, là cầu nối cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ trồng và khai thác nấm cho người lao động.

Với những thành tích trong công việc, chị Đinh Thị Danh đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Vinh dự hơn, chị là cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Tỉnh ủy đề nghị Trung ương khen thưởng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI.                 

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.