Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ say mê với trang phục truyền thống dân tộc Mông

09:54, 15/08/2016

Năm 2014, chị Đào Thị Si (SN 1983) cùng chồng con từ Cao Bằng vào thôn 15, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) lập nghiệp. Nhận thấy người Mông ở xã Cư Kbang rất đông, nhu cầu được mặc trang phục truyền thống lớn, sẵn có khiếu may vá, chị Si quyết định đầu tư máy móc, nguyên vật liệu để tự tay may những bộ quần áo truyền thống phục vụ cho người dân trong vùng.

Người Mông rất thích mặc váy dập li nên chị Si phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để mua máy dập li, máy khâu, vải, hạt cườm, len… Chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào về may vá, chị Si tự nghiên cứu, mày mò thiết kế, tạo dáng cho các trang phục của người Mông. Đến nay, chị có thể may được đa dạng các sản phẩm như mũ, váy áo, túi, khăn… độc đáo với sắc màu thổ cẩm, họa tiết sáp ong, chắp vải và đường thêu tinh tế, sặc sỡ, bắt mắt. Do không có nguyên liệu nên chị không thể tự dệt vải được mà phải nhập vải từ ngoài Bắc vào, sau khi có vải là công đoạn dập li. Chị Si cho biết: “Nguyên lý hoạt động của máy dập li là sau khi khởi động phải để điện từ 30 - 40 phút mới cho vải vào để dập. Cứ khoảng 5 phút sẽ dập xong một mảnh vải để may một cái váy, trung bình một ngày dập được khoảng 100 mảnh vải như thế. Nhưng để hoàn thành một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Mông thì phải mất rất nhiều thời gian, tùy vào họa tiết trên yếm và áo của bộ trang phục. Khó và tốn công sức, thời gian nhất là thêu và xâu những hoạ tiết đính kèm trên trang phục”.

              Chị  Đào Thị Si bên những sản phẩm của mình.
Chị Đào Thị Si bên những sản phẩm của mình.

Các sản phẩm do chị Si làm ra hiện không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con trong xã mà còn được mang đi tiêu thụ ở các cửa hàng quần áo trên địa bàn huyện Ea Súp và các huyện khác như Krông Bông, M’Đrắk…; thậm chí nhiều người Mông từ Đắk Nông cũng tìm đến chị đặt hàng. Các sản phẩm của chị có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Chị cho biết, thời điểm gần Giáng sinh, Tết Nguyên đán là hàng bán chạy nhất bởi lúc đó ai cũng nô nức sắm sửa váy áo mới để chuẩn bị đón lễ, tết. Vào thời điểm này, thu nhập của chị sau khi trừ chi phí được chừng 10 triệu đồng/tháng.  Chị tâm sự: “Làm việc này cũng nhiều khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi làm ra một sản phẩm ưng ý, thấy bà con đội mũ, đeo khăn, diện váy áo đẹp là mình lại cảm thấy rất vui. Mình chỉ mong có một trường lớp nào đó đào tạo về việc thiết kế, may vá những trang phục của người Mông để có thể học thêm, nâng cao tay nghề”.

Trong tiếng máy dập li đều đều, hằng ngày chị Si vẫn miệt mài với những thước vải. Công việc với chị không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là niềm đam mê tạo ra những sản phẩm mang những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, là niềm vui được thấy những trang phục người Mông hiện diện trong những thôn, buôn trên mảnh đất Tây Nguyên này. 

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc