Multimedia Đọc Báo in

Những sinh viên mơ vươn tới làm nông nghiệp công nghệ cao

19:05, 30/08/2016

Tốt nghiệp bộ môn cây trồng (Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) thay vì đi tìm việc làm, một nhóm sinh viên đã thuê đất trồng rau sạch.

 Khi đang học năm thứ 3, Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm Dự án trồng rau đã tìm hiểu về khóa học nông nghiệp tại Israel do Trường Đại học Nông lâm (TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu. Được sự đồng ý của gia đình và thầy cô giáo ủng hộ, Hưng bảo lưu kết quả học tập, làm thủ tục nhập học tại Nahal HaArava (Israel). Không như ở Việt Nam, học tại Israel, sinh viên vừa đi học vừa phải đi làm tại các trang trại để tự trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. “Là đất nước có diện tích đất canh tác ít, khí hậu, địa hình phức tạp, nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhất là công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống nhà lưới… mà Israel có nền nông nghiệp rất phát triển. Một năm học tập ở Israel giúp em nắm bắt kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là tinh thần yêu lao động, biết biến khó khăn thành thế mạnh để làm giàu cho gia đình và cho đất nước của người dân Do Thái. Em nghĩ, mình có thể đem những điều đã học về áp dụng vào sản xuất ở Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung”, Hưng chia sẻ.

Đoàn Thanh Hiếu đang kiểm tra vườn rau.
Đoàn Thanh Hiếu đang kiểm tra vườn rau.

Tháng 6-2015, Hưng về nước tiếp tục hoàn thành chương trình học tại Trường Đại học Tây Nguyên và tìm kiếm cơ hội thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu.  Ý tưởng trồng rau sạch của Hưng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của một số bạn học cùng Khoa Nông lâm nghiệp. Hè năm 2015, Hưng cùng 2 người bạn thuê 1 ha đất tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) để trồng rau xanh. “Đất đai Tây Nguyên màu mỡ, nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân ngày càng cao, tụi em quyết định thử nghiệm trồng rau sạch để thay thế phương pháp trồng rau truyền thống trước đây”, Hưng nói. Nhóm đã vay mượn của gia đình, bạn bè để chăn nuôi bò, cừu, sau đó bán lấy tiền thuê đất trồng rau. Đã từng tham gia Câu lạc bộ Giải pháp xanh (Trường Đại học Tây Nguyên) nên Hưng nhanh chóng kết nối với hệ thống siêu thị Niconico Yasai chuyên cung cấp rau, củ, quả sạch tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Yêu cầu của hệ thống siêu thị Niconico Yasai rất khắt khe, do đó từng thành viên trong nhóm tùy theo chuyên môn đã học, bắt tay thực hiện dự án theo đúng quy trình sản xuất rau sạch từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch.  Bạn Đoàn Thanh Hiếu - phụ trách khâu làm phân bón hữu cơ chia sẻ: “Để bảo đảm rau sạch, thì mọi quy trình, nhất là khâu làm phân hữu cơ và bón phân đúng cách là yếu tố quan trọng. Em dùng phân bò, xác cá, bánh dầu trộn làm phân bón; còn dùng gừng, tỏi, ớt ngâm gạo, quả bồ hòn, hạt nêm, lá và hạt của cây xoan Ấn Độ làm thuốc trừ sâu sinh học. Làm rau sạch tuy vất vả hơn, nhưng sản phẩm làm ra bảo đảm sức khỏe cho người dùng”. Để tiết kiệm nước tưới, các bạn trong nhóm tự tìm mua nguyên liệu chế tạo một hệ thống tưới phun sương.

Với 1 ha đất, nhóm quyết định trồng 5 sào cây chùm ngây, diện tích còn lại trồng các loại rau ăn lá như: muống, dền, cải… Không như các loại rau khác, lá chùm ngây sau khi hái khỏi thân cây chỉ sau vài giờ là héo và rụng khỏi cuống lá, nên nhóm của Hưng quyết định chế biến thành bột chùm ngây. Sản phẩm này được hệ thống siêu thị Niconico chấp nhận, thường xuyên đặt hàng. Không chỉ vậy, bột chùm ngây còn được đưa vào bày bán tại Siêu thị Aeon (TP. Hồ Chí Minh)…. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng nhóm lãi trên chục triệu đồng từ dự án trồng rau sạch. Từ thành công bước đầu, nhóm có dự định sẽ trồng rau theo công nghệ cao; đồng thời chuyển giao công nghệ này cho bà con trồng rau trong vùng để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là giúp các bạn trẻ có cơ hội lập thân, lập nghiệp.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc