Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Đẩy mạnh dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

09:16, 07/08/2016

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 15-11-2011 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố đến năm 2015, thời gian qua, công tác dạy nghề, đào tạo nghề được các cấp, ngành của thành phố quan tâm đầu tư và đã phát huy được những hiệu quả nhất định…

Xã Ea Tu có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 50%, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được UBND xã tích cực triển khai. 5 năm qua, xã Ea Tu phối hợp với các tổ chức đào tạo nghề mở được 13 lớp với 411 lượt người tham gia, trong đó khoảng 90% là người DTTS. Bên cạnh đó, xã cũng đã tiếp cận với các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các hội thảo tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động…, từ đó giới thiệu cho gần 1.400 lượt thanh niên có việc làm và 9 trường hợp đi lao động nước ngoài. Một số doanh nghiệp trên địa bàn xã cũng thu hút từ 50 đến 100 lao động thường xuyên là người DTTS với thu nhập hằng tháng từ 3 đến 7 triệu đồng. Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tu cho biết: “Tâm lý của bà con là muốn gắn bó với buôn làng nên chủ trương của xã là hướng đến những lớp đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ. Đây chính là giải pháp căn bản và khả thi để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề trên địa bàn”.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên.
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Buôn Ma Thuột cũng có nhiều cách làm hay trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên. Đó là việc phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn mở các lớp dạy nghề kết hợp với tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động. Cách làm này đã hình thành cầu nối giữa Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp với hội viên, để từ đó chị em có thể lựa chọn việc làm phù hợp hoặc áp dụng kiến thức được đào tạo trong phát triển kinh tế gia đình.

Trong 5 năm qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau từ các chương trình, dự án với tổng kinh phí 9,133 tỷ đồng để đào tạo nghề cho gần 27.300 lao động và giải quyết việc làm cho gần 56.000 lao động. Hiện nay số lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn thành phố là 127.000 người (chiếm tỷ lệ 61%), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Bà Đỗ Thị Kim Dũng, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức được 21 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như may, nấu ăn, dệt thổ cẩm… cho hơn 1.000 phụ nữ vùng nông thôn, người DTTS; 241 lớp tập huấn, mô hình, hội thảo cây trồng, vật nuôi, nâng cao kiến thức, hỗ trợ sản xuất cho gần 14.500 lượt chị em; giới thiệu cho 20 phụ nữ DTTS các buôn Ea Bông, Đun, Dha Prông (xã Cư Êbur) đi làm công nhân may tại Bình Dương với mức lương từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng… Trong thời gian tới, Hội sẽ tiến hành nghiên cứu đào tạo nghề gắn với các mô hình, CLB, tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế như: “Vườn ươm cây giống”, “Nuôi bò sữa”, “Chăn nuôi giỏi”, “Tổ may mặc gia công”, “Dịch vụ gia đình”… kết hợp với tuyên truyền vận động trực tiếp cho hội viên học nghề tại buổi sinh hoạt chi hội.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn như công tác tuyên truyền vận động còn hạn chế; định hướng việc làm mới chỉ chú trọng “đầu vào” chưa tính đến “đầu ra”; các ngành nghề được đào tạo còn ít; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh thực hiện chưa tốt... Để nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động TP. Buôn Ma Thuột, theo Bí thư Thành ủy Y Thanh Hà Niê Kdăm, thì các cấp, ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao phối hợp đồng bộ trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS; phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp từ đó thu hút lao động tại địa phương... Bí thư Thành ủy Y Thanh Hà Niê Kdăm cho biết: “Từ nay đến năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và phường xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% và qua đào tạo nghề là 55%, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 2%”.     

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.