Xoa dịu nỗi đau da cam
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau do di chứng từ chất độc da cam/dioxin đối với hàng triệu người Việt Nam nói chung và ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) nói riêng vẫn còn dai dẳng. Mọi sự quan tâm giúp đỡ thiết thực sẽ giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, gia đình cựu chiến binh Trần Sỹ Ghi (buôn K’đung, xã Ea Nuôl) hết sức vui mừng khi dọn vào ở trong ngôi nhà mới khang trang. Ngôi nhà có tổng diện tích gần 70 m2 với tổng kinh phí 130 triệu đồng; trong đó Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh hỗ trợ 59 triệu đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng .
Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Kỷ nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7-2016. |
Trở về từ cuộc chiến tranh, ông gánh chịu nỗi đau chất độc da cam khi bản thân luôn bị những cơn đau nhức hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, còn người con trai thứ 2 của ông thần kinh không bình thường. Với mong muốn con mình được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nên bao nhiêu tiền bạc kiếm ra vợ chồng ông đều dồn hết vào việc đưa con đi bệnh viện chữa trị đến khi biết bệnh của con không thể chữa khỏi ông mới đành từ bỏ. Cũng chính vì thế, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, căn nhà xập xệ, dột nát bao nhiêu năm qua chẳng thể sửa sang. Niềm vui đã đến với gia đình khi được hỗ trợ xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Trong ngày bàn giao ngôi nhà mới, ông Ghi xúc động nói: “Không chỉ được các cấp, hội hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mà trong quá trình làm gia đình tôi còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo xã, sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con, nhất là các cháu đoàn viên thanh niên xã đã giúp ngày công lao động. Bây giờ, vợ chồng đã yên tâm tuổi già , không còn lo lắng mỗi khi mưa gió bởi đã có căn nhà kiên cố, vững chãi”. Được biết, số tiền 59 triệu đồng do Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà cho ông Ghi được huy động từ các cán bộ, hội viên trong Hội. Mặc dù mức quy định chỉ 50.000 đồng/hội viên, thế nhưng có không ít người đã đóng góp hàng trăm nghìn đồng. Điều đó thể hiện tình đồng chí, đồng đội và trên hết là nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trong thời bình.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Quế (thôn Hòa An, xã Ea Nuôl), chúng tôi càng cảm phục ý chí và nghị lực của vợ chồng người cựu chiến binh mang nỗi đau da cam. Trong ngôi nhà khang trang, hằng ngày vợ chồng ông vẫn cố gắng chăm sóc, lo lắng cho đứa con tật nguyền do di chứng chiến tranh để lại. Bao nhiêu năm chạy chữa chứng bại não cho con nhưng ông phải từ bỏ hy vọng, và đây có lẽ là nỗi đau, thất bại lớn nhất trong cuộc đời ông bởi không có khó khăn, thử thách nào mà ông không vượt qua từ những ngày chiến đấu ác liệt đến những gian khổ, vất vả mưu sinh trong thời bình. Được biết, sau hơn 13 năm tham gia chiến dịch Tây Nguyên và Nam Lào, dù trở thành thương binh hạng 4/4, thế nhưng với ý chí, quyết tâm của mình, từ hai bàn tay trắng ông đã gầy dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay với cuộc sống khá giả nhờ 5 ha đất trồng các loại cây thuốc nam. Ông Quế chia sẻ, dù gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng gia đình ông nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chế độ ưu đãi của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương đã phần nào làm ông ấm lòng, vơi bớt nỗi đau do chất độc da cam.
Bà Nguyễn Thị Kỷ (thôn Hòa An) có chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến giữ nước, có 2 người con bị di chứng chất độc hóa học. Cuộc sống vất vả nhưng bà vẫn cảm thấy ấm lòng khi thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, thăm hỏi từ những người đồng đội của chồng cũng như các ban, ngành, địa phương; được hưởng mọi chế độ ưu đãi của Nhà nước. Với bà đó chính là sự sẻ chia với mất mát của gia đình, cũng là động lực giúp bà có thêm ý chí, nghị lực chăm sóc các con, vươn lên trong cuộc sống…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc