Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp mùa trăng yêu thương

09:32, 27/09/2016

Với các em thiếu nhi buôn Dhung (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), mùa Trung thu năm nay càng thêm ấm áp khi được các anh chị ở  Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện chữ đẹp Minh Chi (gọi tắt là Trung tâm Minh Chi -  TP. Buôn Ma Thuột) phối hợp với Đội công tác xã hội huyện tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương” đầy ý nghĩa...

Ngay từ chiều, dù chưa đến giờ tổ chức nhưng đông đảo các em học sinh, thiếu nhi đã tập trung đông đủ để chờ đợi được phá cỗ, rước đèn.

Là buôn nghèo của xã nên nhiều trẻ em ở buôn Dhung lần đầu tiên được cầm trên tay chiếc lồng đèn. Từng ngọn nến được thắp lên, tỏa sáng lung linh trong từng ánh mắt của trẻ thơ. Niềm vui của các em như được nhân lên khi tiết mục múa lân bắt đầu, chuẩn bị cho giờ khai hội. Từ người lớn đến trẻ em, ai cũng chăm chú dõi theo những động tác nhào lộn của đội lân sư rồng. Sau mỗi màn nhảy múa đẹp mắt, tất cả lại dành cho đoàn lân những tràng vỗ tay tán thưởng, thích thú. Ở khu vực khác, các gian hàng trò chơi có thưởng cũng bắt đầu hoạt động thu hút các em thiếu nhi như ném vòng, tạt lon, bịt mắt đập bóng, đá cầu qua vòng…

Đại diện Trung tâm Minh Chi tặng quà trung thu cho các em nhỏ  ở buôn Dhung (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar).
Đại diện Trung tâm Minh Chi tặng quà trung thu cho các em nhỏ ở buôn Dhung (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar).

Không giấu được niềm háo hức, H’Nhin Êban phấn khởi: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia chơi Trung thu vui như vậy. Vừa được tặng quà, vừa được chơi các trò chơi có thưởng, lại được dạy các bài học kỹ năng sống rất có ích”. Còn chị H’Nan thì tâm sự: “Gia đình mình nghèo lắm, ăn còn không đủ no thì lấy đâu tiền mua bánh kẹo và đồ chơi cho các con. Hôm nay các cháu được tổ chức chương trình Trung thu vui và bổ ích như thế này có lẽ là món quà lớn nhất trong năm học mới của bọn trẻ”.

 Chị Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Minh Chi chia sẻ, nhằm mang niềm vui đến cho trẻ thơ, nhất là trẻ em ở các xã khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, năm nào Trung tâm Minh Chi cũng tổ chức làm bánh trung thu để dành tặng các em nhỏ. Ý tưởng này xuất phát từ việc bánh trung thu được bày bán nhiều trên thị trường nhưng không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu làm bánh được các thành viên Trung tâm lựa chọn kỹ, hoàn toàn từ thiên nhiên không có chất bảo quản.

 Chị Yến cho biết thêm, ngoài những thành viên đã làm bánh chuyên nghiệp thì năm nay có rất nhiều bạn là học sinh, sinh viên, nội trợ cùng tham gia với Trung tâm để làm bánh trung thu từ thiện. Mặc dù chưa thuần thục nhưng ai nấy đều rất hăng say, chỉ mong kịp thời gian để các cháu thiếu nhi có một mùa Trung thu ấm áp. Để kịp tổ chức chương trình, mọi người luân phiên nhau thức trắng đêm để làm. Dẫu mệt nhọc nhưng các thành viên trong nhóm ai cũng thấy vui vì đã góp được phần nhỏ giúp các cháu có một mùa Trung thu nhiều ý nghĩa… 

“Chương trình “Trung thu yêu thương” đã mang lại ý nghĩa lớn lao với trẻ em ở các xã vùng xa khó khăn. Chính sự quan tâm, sự đồng cảm sẻ chia của các nhà hảo tâm là động lực to lớn giúp các em vươn lên trong học tập, cuộc sống”.

(Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar)

 

 Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.