"Cô tiên" của buôn làng
Sau khi tốt nghiệp ngành Thú y Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, năm 2008, H’Dức Mlô (buôn Sức, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) trở về buôn làm nghề dịch vụ thú y và cộng tác viên cho Trạm Khuyến nông huyện.
Buôn Sức từ lâu đã có nghề chăn nuôi bò, nhưng không hiệu quả do sử dụng giống bò vàng địa phương, tập quán chăn nuôi lạc hậu, cột dưới nhà sàn và thả rông nên bò hay bị dịch bệnh, kinh tế không phát triển được.
H’Dức quyết định đầu tư nuôi bò với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo và chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho bà con trong buôn để phát triển kinh tế. Năm 2010, H’Dức bàn với chồng dựng cái chuồng kiên cố bằng gỗ, ván và mua 2 con bò cái giống về nuôi. Lúc đó, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ cho ít giống cỏ, chị chặt bỏ một phần vườn cà phê để trồng cỏ cho bò. Việc này ở nơi khác người ta đã làm từ lâu, nhưng đối với bà con buôn Sức là một sự lạ lẫm, bởi lâu nay, bò có ai nhốt trong chuồng, cỏ thì mọc đầy trên nương ngoài rẫy. Mặc cho mọi người khuyên can, chị vẫn quyết tâm làm theo cách của mình. Mùa khô năm ấy, đàn bò trong buôn gầy rạc vì thiếu thức ăn, còn bò của chị vẫn béo tròn, chị còn chia sẻ cỏ cho gia đình khác và cắt bán được gần 20 triệu đồng.
H'Dức Mlô chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Thấy vậy bà con đã tin chị và dần dần thay đổi suy nghĩ rằng “phải làm theo con H’Dức thì bò mới có cỏ ăn, ít bị bệnh, mau lớn”. Từ đó, nhiều người dựng chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò theo phương pháp mới. Chị cũng hướng dẫn cho bà con cách chế biến thức ăn bổ sung cho bò, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh. Để tăng giá trị kinh tế, chị mua giống bò lai siêu thịt như bò Úc, Brahman, Sind về nuôi và vận động bà con làm theo. Nhờ tự đầu tư và nhận nuôi rẽ, đàn bò thịt của buôn từ vài chục con hiện tăng lên hàng trăm con, người ít nhất 1 – 2 con, người nhiều thì 10 con. Còn riêng H’Dức, đàn bò của chị lúc nào cũng có 7 – 10 con, giống bò lai nhanh lớn, mỗi con có thể bán được hàng chục triệu đồng.
Bên cạnh đưa kỹ thuật nuôi bò về với buôn làng, H’Dức còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, lên men ca cao rồi về hướng dẫn lại cho bà con. Đến nay, chị đã thành lập được 2 câu lạc bộ ca cao của buôn Sức với 60 thành viên. Chưa hết, chị cũng đi tập huấn, tham quan các mô hình trồng nấm rồi chuyển giao cho 30 hộ trong buôn. Để bà con không bị tư thương ép giá, sản phẩm ca cao, nấm làm ra được chị đứng ra làm đầu mối tiêu thụ ổn định với giá cao. Với mô hình nuôi bò, trồng nấm, ca cao, nhiều hộ dân buôn Sức đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
“Bên cạnh làm cà phê, cả buôn hiện có có khoảng 150 hộ có chuồng trại nuôi bò và hàng chục gia đình có trồng nấm, kinh tế khá hơn nhiều so với trước đây. Những điều này đều nhờ công lao của H’Dức xinh đẹp, giỏi dang. Bà con trong buôn coi H’Dức như “cô tiên” bởi những việc nó đã làm cho người dân buôn làng”. Bà H’Chi Mlô, Bí thư chi bộ buôn Sức. |
Không chỉ giúp bà con trong buôn phát triển kinh tế, H’Dức còn vận động bà con giữ gìn môi trường sống bằng cách không xả rác bừa bãi, không vứt chai bao thuốc trừ sâu trên đồng và thường xuyên dọn dẹp chuồng trại chăn nuôi. Chị là thành viên chính thức của Actionaid – AAV (Tổ chức quốc tế chống đói nghèo). Tháng 11-2015, chị được đại diện cho người dân tộc thiểu số Việt Nam thông qua AAV đọc thông điệp của người dân tộc thiểu số về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và được đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp.
Mấy năm nay, buôn Sức được chọn là một trong những địa bàn triển khai các dự án của AAV, được hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Nhờ tài “chạy dự án” của H’Dức, bà con trong buôn được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt từ năm 2008 đến nay, hàng chục hộ được hỗ trợ làm kỹ thuật ủ phân vi sinh, làm giếng khoan, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ con giống…
Cuối tháng 7-2016, chị H’Dức được AAV tiến cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm nông nghiệp tại Chieng Mai, Thái Lan với nội dung chia sẻ cơ hội liên kết, hợp tác của nông dân ASEAN. Tại đây, người phụ nữ Êđê được tiếp cận kiến thức về sản xuất nông nghiệp bền vững và tham quan ngôi làng Maetha nằm ở ven đô chuyên làm nông nghiệp theo hướng bền vững. Chị hết sức thích thú trước những vườn rau xanh mướt được trồng theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu. Sau chuyến đi đó, chị nảy ra ý tưởng thành lập hợp tác xã phát triển cà phê bền vững với mong muốn hình thành vùng chuyên canh cà phê theo phương pháp hữu cơ rồi áp dụng cho các loại cây trồng khác. Theo đó, chị sẽ chọn lựa những thanh niên trẻ, tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm trở về địa phương làm nông nghiệp. “Tôi tin với sự năng động nhiệt huyết của tuổi trẻ và kiến thức đã học họ sẽ dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để trồng cà phê đạt năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường”, H’Dức tâm sự.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc