Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

08:55, 12/09/2016

Tham gia công tác xã hội từ năm 2000, đến năm 2005, ông Nguyễn Việt Tiến được bầu làm  Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Hơn 15 năm gắn bó với hoạt động nhân đạo, từ thiện, ông Tiến thuộc nằm lòng hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật của các trường hợp bị ảnh hưởng của chất độc da cam trên địa bàn.

“Toàn xã có 65 đối tượng nạn nhân chất độc da cam, hầu hết đều thuộc hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Nạn nhân khuyết tật nhiều dạng, khoèo tay chân, liệt toàn thân, bại não, động kinh… mỗi khi trái gió trở trời đều đau ốm, lên cơn co giật, lâm vào tình trạng nguy kịch. Vì vậy, điện thoại của tôi luôn trong chế độ mở, hễ nhận được cuộc gọi cầu cứu của gia đình nạn nhân là đến hỗ trợ ngay”, ông Tiến chia sẻ. Chứng kiến sự giày vò, đau đớn về thể xác của các nạn nhân và thấu hiểu những khó khăn của gia đình các em ông luôn tự nhủ phải làm điều gì đó giúp ích cho họ. Trong những năm qua, ông đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ tiền mặt, hiện vật để thăm hỏi, tặng quà, dụng cụ trợ giúp, làm nhà ở cho các nạn nhân chất độc da cam.

Ông Nguyễn Việt Tiến (bên phải), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Kao thăm hỏi  nạn nhân chất độc da cam thôn Cao Thắng.
Ông Nguyễn Việt Tiến (bên phải), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Kao thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam thôn Cao Thắng.

Từ năm 2011 đến nay đã tặng hơn 1.600 suất quà, cứu trợ đột xuất với tổng trị giá gần 490 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 3.600 kg gạo cho 42 hội viên gặp rủi ro trong cuộc sống. Bên cạnh đó, hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, ông đã cùng Ban Chấp hành Hội tuyên truyền, khảo sát, điều tra đối tượng cần trợ giúp và phát động phong trào kêu gọi cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân nhận giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, đã có 22 trường hợp trên địa bàn xã được trợ giúp thường xuyên với tổng số tiền 110 triệu đồng. Không những vậy, ông còn tích cực tìm hiểu, tham khảo những dự án hỗ trợ của thành phố, làm tờ trình xin về cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn xã được hưởng lợi. Mới đây ông vận động được 100 suất quà cho các đối tượng . Chị Nguyễn Thị Tú ở thôn Cao Thắng có con gái là nạn nhân chất độc da cam, suốt 31 năm qua chỉ quanh quẩn ở góc nhà được ông thường xuyên thăm hỏi, giúp hưởng lợi từ Dự án ngân hàng bò nên đời sống đỡ khó khăn phần nào. Không riêng gia đình chị mà mỗi khi rảnh rỗi, ông lại tranh thủ ghé nhà các nạn nhân chất độc da cam thăm hỏi, động viên, cập nhật hoàn cảnh, tình hình bệnh tật của từng đối tượng nên gần gũi, thân quen như người nhà. “Những gia đình có nạn nhân chất độc da cam đều chịu chung vòng luẩn quẩn “da cam – bệnh tật – nghèo khổ” cả, mình giúp được gì thì cố gắng giúp. Bằng khen, giấy khen tôi được các cấp, ngành trao tặng cũng nhiều nhưng niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy các nạn nhận và gia đình họ vơi bớt khó khăn, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”, ông thổ lộ.  

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.