Hướng đến mục tiêu năm 2020 trên 90% người dân tham gia BHYT
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện sự bình đẳng xã hội cũng như nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu hướng đến BHYT toàn dân và mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM LƯƠNG SƠN (ảnh), Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.
°Để đạt được chỉ tiêu đến năm 2020, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 90% dân số, trong khi hiện nay BHYT hộ gia đình ở nhiều tỉnh đạt thấp, BHXH Việt Nam sẽ triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
BHXH Việt Nam xác định công tác tuyên truyền đến đối tượng đích rất quan trọng. Trong đó, chú trọng đưa thông tin đến tận già làng, trưởng buôn lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp; tận dụng kênh thông tin tuyên truyền thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, buôn; tăng cường phối hợp tuyên truyền với Ban Tuyên giáo, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn và các sở, ngành liên quan.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT, ngành đã quyết liệt chỉ đạo thay đổi cách thức mua BHYT hộ gia đình. Hiện nay, người dân chỉ cần điền thông tin theo mẫu, chịu trách nhiệm về lời khai của mình là đã có thể mua BHYT. Cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm hậu kiểm những thông tin đó để kết nối đồng bộ.
Ngoài ra, ngành đang quyết liệt triển khai hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ gia đình, từ đó phân loại ra những địa phương làm tốt, những địa phương còn hạn chế để có phương án chỉ đạo cụ thể. Tính đến ngày 15-8, đã có trên 86% số người đã có thẻ BHYT được đồng bộ mã thẻ. Đây là một nguồn dữ liệu quan trọng để triển khai BHYT hộ gia đình đến tận vùng sâu, vùng xa.
°Vậy theo ông, ngành BHXH cần có sự phối hợp như thế nào với ngành Y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT?
Quyền lợi của người có thẻ BHYT được thể hiện và bảo đảm qua chất lượng khám chữa bệnh ở cả 3 lĩnh vực. Thứ nhất là chất lượng chuyên môn thì hiện nay Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng có những cơ chế khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới thực hiện những dịch vụ kỹ thuật của tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thứ hai là công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến khám chữa bệnh. Thứ ba là chất lượng phục vụ từ khâu tiếp đón người bệnh thân tình, cởi mởi, bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của người bệnh. Để thực hiện những điều này, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng đã ký kết quy chế phối hợp, đề ra những giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện.
Khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana. |
°BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, quản lý hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đến nay, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành được cắt giảm mạnh xuống còn 32 thủ tục, thành phần hồ sơ giảm 38%, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và hưởng chế độ BHXH, BHYT giảm xuống còn 45 giờ trong năm 2016. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục cắt giảm những thủ tục không cần thiết với phương châm những gì là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thì cán bộ, công chức cơ quan BHXH tự làm chứ không để người dân phải làm.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng thống nhất rất cao việc đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngày 29-6-2016 đã chính thức khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Tính đến ngày 15-8 vừa qua, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố kết nối thành công vào cổng thông tin giám định BHYT điện tử.
°Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc