Multimedia Đọc Báo in

Nghề tạo vân cho gỗ đang "hốt bạc"

09:36, 29/09/2016

Những năm gần đây, thị hiếu dùng đồ gỗ của nhiều người tăng lên trong khi gỗ quý ngày càng hiếm. Để biến đồ gỗ “giả cầy” thành đồ đắt giá, người ta đã tìm thợ tạo vân cho gỗ...

Nghề ăn nên làm ra

Những bộ sập, bộ phản, bàn ghế, lộc bình… đáng giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng nhưng chỉ cần bị sâu mọt, bị sam hay không đủ theo kích thước là giá trị đã giảm đi rất nhiều. Để “vá” các món đồ gỗ cho lành lặn, biến những chỗ chắp vá thành những thớ gỗ liền như thật phải cần đến tay nghề những người thợ chuyên vẽ vân cho gỗ chuyên nghiệp.

Trong vai người cần vẽ vân cho bộ ngựa bị lỗi vì chắp vá, chúng tôi được một anh bạn trong nghề mộc giới thiệu tới anh T. (đường Y Moan, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Việc vẽ vân cho bộ ngựa bằng gỗ hương bị chắp vá với đường kính khoảng 30 cm được anh T. đòi tới 8 triệu đồng tiền công. Nghe chúng tôi chê đắt, anh T. nói: “Bộ ngựa sau khi vẽ xong các anh bán giá tới hàng trăm triệu đồng mà. Việc vẽ vân đòi hỏi kỹ thuật cao, đây là nghề gia truyền ít người vẽ được, anh tìm thợ nào cũng vậy thôi”.

Một người thợ đang vẽ vân cho gỗ.
Một người thợ đang vẽ vân cho gỗ.

Anh L. (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề buôn bán đồ mỹ nghệ có cặp lộc bình bằng gỗ bồ kết cao 1,4 mét, vân rất đẹp nhưng có một chỗ bằng bàn tay bị sam. Lỗi này khiến cặp lộc bình nếu không vẽ vân bán giá cao lắm cũng chỉ tầm 4-5 triệu đồng, trong khi giá trị của chúng có thể từ 12-15 triệu đồng. Muốn bán được giá cao, anh L phải tìm tới thợ vẽ vân cho cặp lộc bình này.

Việc vẽ vân gỗ diễn ra khá nhanh. Người thợ vẽ chỉ cần  đẩy bút chừng 5 phút là vân gỗ chỗ bị sam đã hiện lên, giống y như thật. Anh L. cho biết: “Chỗ bị lỗi có chút xíu vậy mà thợ vẽ đòi tới 1 triệu đồng đấy. Vẽ vân gỗ quan trọng nhất là khâu pha mực, phải pha làm sao cho giống với loại vân tự nhiên của gỗ nhất. Nếu các anh lúc đầu chưa nhìn thấy chỗ bị sam thì sau khi vẽ xong làm sao mà phát hiện được đâu là vân giả. Ngay cả bản thân tôi là dân chuyên gỗ cũng chịu, không thể phát hiện được”.

Các xưởng mộc hoặc cơ sở kinh doanh gỗ mỹ nghệ là khách hàng thường xuyên của các thợ vẽ vân gỗ. Mỗi bộ bàn ghế bị lỗi, muốn bán đắt hàng, các cơ sở thường phải nhờ đến thợ vẽ vân để làm cho chúng hoàn hảo, với giá vẽ vân từ 5-10 triệu đồng tùy chỗ phải vẽ nhiều hay ít.

Cẩn trọng khi mua đồ gỗ

Một người thợ vẽ vân ở đường Võ Thị Sáu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết đây là nghề gia truyền anh mang từ tỉnh Hải Dương và vào đây “hành nghề” từ năm 2013. Nghề này học rất khó và mất nhiều thời gian cũng như công sức. Điểm khó nhất của việc vẽ vân là làm sao pha được mực trùng với màu vân và vẽ cho vân giống y như gỗ. Nếu vẽ trực tiếp trên gỗ thì tuổi thọ nét vẽ kéo dài được khoảng 2 năm là nhạt màu dần, còn vẽ trên một lớp sơn nền thì chỉ được khoảng 1 năm là bay mực.

Có rất nhiều người mua phải những bộ bàn ghế, bộ phản hay lộc bình sau một thời gian thì phát hiện một số chỗ bị mất vân. Điều này khiến nhiều người bức xúc vì phải trả tiền giá cao cho một món đồ không đáng giá. Tuy nhiên, việc vẽ vân gỗ rất khó phát hiện, nhất là với người mua hàng xem qua mạng.

Vì vậy, khi mua đồ nội thất, khách hàng cần kiểm tra kỹ các bộ phận. Với những đồ gỗ đã được quét sơn, màu sơn phải đều, bóng đẹp; sản phẩm có trang trí hoa văn phải sắc nét, đẹp mắt. Với sản phẩm gỗ nội thất cao cấp, đắt tiền, khách nên yêu cầu phía bên bán giữ nguyên màu tự nhiên của gỗ. Để tránh bị tráo hàng, khi cửa hàng chuyển đồ về nhà, khách hàng cần mở đóng gói ra để kiểm tra từng chi tiết.

Ngoài ra, để có căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh, khách hàng nên yêu cầu cửa hàng viết hóa đơn, trên đó phải ghi rõ chủng loại, mẫu mã hàng hóa. Đặc biệt, người mua nên đến các cửa hàng có uy tín; không nên đặt mua hàng qua mạng mà cần tới tận nơi xem thực tế và xem xét thật kỹ trước khi mua…

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.