Multimedia Đọc Báo in

Tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng

10:32, 01/09/2016

Hiện toàn tỉnh có 498 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) được phong tặng, truy tặng theo 2 Nghị định 176 và 56 của Chính phủ. Trong đó xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) có 26 Mẹ. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của các Mẹ VNAH đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, các thế hệ con cháu của các Mẹ đang đồng lòng, đoàn kết, chung tay góp sức, tạo nên diện mạo mới trên quê hương anh hùng…

Chị Võ Thị Thu Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê chia sẻ: “Là  thế hệ con cháu, những trang sử hào hùng của cha ông chúng tôi chỉ được học, được biết qua sử sách, song chúng tôi tự hào có đến 26 Mẹ VNAH, trong đó 6 Mẹ vẫn còn sống. Các Mẹ chính là những chứng nhân lịch sử sống động, nhắc nhở con cháu về một thời hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Hiện cao tuổi nhất là Mẹ Phạm Thị Nha đã 95 tuổi, ít tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Tùng cũng đã bước qua tuổi 80. Cùng với gánh nặng tuổi tác, theo dòng thời gian, trí nhớ của các Mẹ cũng đã bị bào mòn. Trong ký ức của mình, mẹ Phạm Thị Nha, chỉ còn nhớ người chồng, liệt sỹ Lê Nha hy sinh vào năm 1967, còn người con cả Lê Văn Ba thì hy sinh năm 1969.
Các cháu thiếu nhi đến thăm hỏi, trò chuyện cùng Mẹ VNAH Phạm Thị Nha.
Các cháu thiếu nhi đến thăm hỏi, trò chuyện cùng Mẹ VNAH Phạm Thị Nha.

Các Mẹ Huỳnh Thị Thôi, Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị Tiết, Huỳnh Thị Cả… gần như không nhớ. Riêng mẹ Nguyễn Thị Tùng có chồng Trần Quyên và cô gái Nguyễn Thị Tùng (lấy tên của Mẹ) lần lượt hy sinh trong các năm 1969 và 1975 thì vẫn còn khá minh mẫn so với cái tuổi 80. Mẹ bảo, bà con ở đây đa phần là người Quảng Nam vào từ những năm 1959, 1960, hành trang mang theo là lòng nhiệt thành yêu nước, sự cần cù, chịu thương chịu khó cùng bản tính khẳng khái, bộc trực đặc trưng của người miền Trung. Mẹ hay kể cho con cháu nghe về chuỗi ngày khó khăn, gian khổ khi giặc ra sức bắt bớ, tra tấn, đàn áp, giết chóc nhưng nhân dân ở đây vẫn trung kiên, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. “Địch nó tàn ác vậy mà bà con có sợ đâu, lại càng thêm nung nấu ý chí căm thù, biến đau thương thành hành động, quyết giải phóng cho bằng được đất nước”, Mẹ bảo. Thời điểm ấy đã có biết bao người vợ trẻ giấu nước mắt ngược vào lòng, tiễn chồng ra trận, và khi người chồng ngã xuống, họ lại nén nỗi đau tiễn đưa các con lên đường, tiếp nối công cuộc đấu tranh, góp phần giải phóng đất nước. Con số toàn xã hiện có 166 liệt sỹ, gần 100 thương, bệnh binh, 20 người có công với cách mạng đã phần nào đã khẳng định truyền thống, lòng kiên trung của những người con đất Quảng luôn một lòng hướng về cách mạng, về Đảng để rồi vùng đất Ea Phê anh hùng hôm nay vinh dự có đến 26 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Để tri ân các Mẹ, thời gian qua cùng với việc quan tâm chăm sóc, thực hiện chu đáo những chế độ chính sách cho các Mẹ, vận động các đơn vị, ban ngành nhận phụng dưỡng, chăm sóc, nhân dân các dân tộc xã Ea Phê đang chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương. Bước ra từ chiến tranh, từ một xã nông nghiệp nghèo, Ea Phê đã có hướng đi, hướng phát triển kinh tế mạnh mẽ, đúng đắn, hiệu quả qua việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhỏ… Cuộc sống sung túc, ấm no trên quê hương cách mạng hiển hiện cụ thể, rõ ràng qua những mái nhà khang trang mọc lên san sát, những con đường nhựa thẳng tắp, nối liền 32 thôn buôn. Điều đó còn được minh chứng qua con số thuyết phục: xã Ea Phê có tốc độ phát triển kinh tế trung bình hằng năm từ 11- 12%, với thu nhập bình quân 29 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức chung của huyện.       

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc