"Tứ đức" phụ nữ thời hiện đại
Phát huy 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, nhiều hội viên phụ nữ đã năng động, sáng tạo vươn lên khẳng định vị thế của mình, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khẳng định vị thế
Gặp chị Nguyễn Thị Kim Hoa (chi hội phụ nữ tổ dân phố Tân Lập, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước (Đề án 343) do Ban Chỉ đạo Đề án 343 tỉnh tổ chức, nhìn nụ cười tươi tắn ấy không ai nghĩ người phụ nữ này đã từng sống trong những tháng ngày tuyệt vọng. Ngày còn trẻ, bỏ qua sự phản đối kịch liệt từ gia đình và người thân, chị Hoa xây dựng tổ ấm cùng với chàng trai khuyết tật, bị câm điếc bẩm sinh. Đang có 1 cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và các con, năm 2011, chị phát hiện mình bị ung thư buồng trứng. Vốn là người phụ nữ trụ cột của gia đình nhưng giờ đây, sức khỏe ngày một yếu đi khiến chị rơi vào tuyệt vọng, nhiều lần muốn buông xuôi, tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm này, khi tham gia vào CLB “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của Hội Phụ nữ phường Đạt Hiếu, chị đã được tiếp thu những kiến thức, sự động viên, khích lệ của các chị em trong chi hội phụ nữ. Từ đó, chị dần hiểu ra mình cần có ý chí, niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống và nỗ lực điều trị bệnh. Vừa chống chọi với bệnh tật, chị Hoa vừa vay vốn để mở tiệm mộc dân dụng tại nhà, đồng thời cùng chồng và con trai chịu khó mày mò, học hỏi kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, chị đã làm chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng có uy tín trên địa bàn, mỗi tháng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 3-4 triệu đồng / tháng. Với những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh và góp thêm một tiếng nói cho cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức, giúp phụ nữ tự tin, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo để xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Hoa đã được Ban Chỉ đạo Đề án 343 tặng Bằng khen trong quá trình rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại.
Thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Tứ đức” (Tổ dân phố 8, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em cho hội viên. |
Là mô hình điểm của thành phố Buôn Ma Thuột trong thực hiện Đề án 343, câu lạc bộ “Tứ đức” (CLB) của Chi hội phụ nữ tổ dân phố 8, phường Tân An đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực. Thành lập từ năm 2012 với 29 thành viên, đến nay, CLB đã có 63 chị em tham gia sinh hoạt với các nội dung đa dạng, phong phú như sinh hoạt chuyên đề về các phẩm chất của phụ nữ, tuyên truyền phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, giúp nhau phát triển kinh tế… Chị Lê Thị Hương, chủ nhiệm CLB cho biết: công, dung, ngôn, hạnh vốn là tứ đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, tứ đức truyền thống ấy chỉ thể hiện được chuẩn mực của phụ nữ trong gia đình. Hiện nay, vai trò và vị thế của người phụ nữ được nâng lên, ngoài trách nhiệm làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… chị em đã thực sự bước ra xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực. Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang là những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ trong thời đại mới. Đây là những chuẩn mực để chị em phụ nữ noi theo mà hoàn thiện mình. Và đó cũng chính là mục tiêu mà CLB hướng đến. Sau 4 năm đi vào hoạt động, CLB đã giúp nhiều chị em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử, có chính kiến, thái độ thẳng thắn và có nhiều chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn môi trường sống lành mạnh, văn minh.
Hiệu quả thiết thực
Nhận thức tầm quan trọng của việc giáo dục rèn luyện phẩm chất theo 4 tiêu chí “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cho hội viên, phụ nữ trong cuộc sống hiện nay, thời gian qua, các cấp Hội luôn chú trọng phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp phụ nữ thông qua việc thực hiện Đề án 343. Với việc truyền thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… đã giúp các chị em không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Hoạt động của Đề án đã có nhiều tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi không chỉ riêng hội viên, phụ nữ mà còn tác động đến gia đình, xã hội trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Các mô hình, CLB tại các địa bàn khó khăn trong tỉnh đã giúp chị em mạnh dạn, tự tin tham gia hoạt động của địa phương, vay vốn để sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các mục tiêu cụ thể của Đề án đã cơ bản đạt được; 100% Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố được cung cấp tài liệu, cẩm nang cho cộng tác viên và tài liệu truyền thông cho cộng đồng; tất cả cán bộ chuyên trách các Hội cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng tài liệu truyền thông về các nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho hội viên phụ nữ; các cấp Hội trong toàn tỉnh xây dựng được 27 CLB “Phụ nữ đảm đang”, “Phụ nữ tứ đức” với 1.159 thành viên và thành lập 21 mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ đảm đang”… thu hút 557 chị em tham gia…
Có thể thấy, “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” là các phẩm chất vô cùng cần thiết mà người phụ nữ cần phải rèn luyện trong xã hội hiện nay. Điều đó không chỉ giúp họ khẳng định bản thân mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc