Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa công tác đăng kiểm phải đi đôi với tăng cường quản lý, giám sát

15:47, 14/09/2016

Những năm qua, Đắk Lắk đã chú trọng việc xây dựng các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới đường bộ bằng hình thức xã hội hóa nhằm góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi cho chủ phương tiện, lái xe khi đi kiểm định… Tuy nhiên, hình thức này đã bộc lộ một số hạn chế…

Tiện lợi cho người dân

Trước năm 2015, cả tỉnh chỉ có 2 TTĐK xe cơ giới có trụ sở đặt tại TP. Buôn Ma Thuột, trong khi nhu cầu đăng kiểm của các chủ phương tiện trong tỉnh rất lớn nên thường xảy ra tình trạng ùn ứ, gây nhiều phiền hà cho chủ phương tiện và lái xe khi đưa phương tiện đến kiểm định. Nhất là các trường hợp ở xa, lái xe phải đi từ 2 giờ sáng để chờ bốc số thứ tự, có trường hợp phải đi 2-3 lần mới kiểm định được cho xe. Chưa kể, nếu xe bị hư hỏng, lỗi nhiều thì thời gian còn kéo dài hơn nữa.

Trước thực trạng đó, năm 2015, 2 TTĐK xe cơ giới đã được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại huyện Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, TTĐK xe cơ giới 4703D do Công ty TNHH kinh doanh dịch vụ vận tải Lữ Gia (huyện Ea Kar) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 4.462m2, với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, gồm 2 dây chuyền kiểm định, công suất đạt hơn 120 xe/ngày, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2015. Cùng với đó, vào tháng 10-2015, TTĐK 4704D do Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 4.000 m2, tổng kinh phí 20 tỷ đồng, gồm 2 dây chuyền kiểm định.

Đăng kiểm viên kiểm tra hệ thống đèn phía trước của phương tiện.
Đăng kiểm viên kiểm tra hệ thống đèn phía trước của phương tiện.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 TTĐK được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong kiểm định xe; tình trạng ùn ứ, quá tải tại các trung tâm hầu như không còn. Anh Nguyễn Văn Chiến, lái xe tải ở huyện Ea Súp cho biết, trước đây mỗi lần đến kỳ kiểm định xe trở thành nỗi ám ảnh đối với cánh tài xế như anh, bởi phải chờ đợi rất lâu, bây giờ có nhiều TTĐK nên tình cảnh ấy không còn nữa. Ông Phan Hoài Nam, Giám đốc TTĐK 4702D (thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Nguyên Bình) cho biết, nếu như từ giữa 2015 trở về trước, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 lượt phương tiện đến kiểm định thì năm nay chỉ bằng 1/3, không còn tình trạng lái xe phải ngồi cả ngày chờ đến lượt đăng kiểm.

Qua kết quả thống kê tại một số TTĐK khu vực nội thành cho thấy, số lượt phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm thấp hơn nhiều so với năm 2015. Cụ thể, 8 tháng năm 2016, tại TTĐK 4701D tổng số phương tiện đã kiểm định là 12.100 lượt, giảm gần 5.000 lượt; còn tại TTĐK 4702D tổng số phương tiện được kiểm định là 8.009 lượt, giảm hơn 6.000 lượt so với cùng kỳ năm 2015.

Đến vi phạm của TTĐK

Có thể khẳng định, xã hội hóa công tác đăng kiểm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhưng nhìn chung, hoạt động này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Chẳng hạn, năm 2015, tại TTĐK 4702D, cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ chức danh đăng kiểm viên của 3 cá nhân và 1 dây chuyền kiểm định (1 tháng) do đăng kiểm viên không tuân thủ các quy định về hoạt động đăng kiểm. Còn tại TTĐK 4701D (thuộc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Đắk Lắk), Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng có quyết định đình chỉ (1 tháng) chức danh 5 đăng kiểm viên và 1 trường hợp (Giám đốc kỹ thuật của trung tâm) bị thu hồi Giấy Chứng nhận đăng kiểm viên không thời hạn do vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình về kiểm định xe cơ giới. Việc đình chỉ các chức danh, khiến trung tâm này thiếu số lượng đăng kiểm viên theo quy định và vi phạm nghiêm trọng về công tác kiểm định xe cơ giới nên cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng.

Kiểm tra hệ thống gầm xe tại Trung tâm Đăng kiểm 4702D.
Kiểm tra hệ thống gầm xe tại Trung tâm Đăng kiểm 4702D.

Mới đây, qua kiểm tra định kỳ hằng năm của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phát hiện một số sai phạm tại các TTĐK trên địa bàn Đắk Lắk. Cụ thể, tại TTĐK 4701D thông qua việc kiểm soát cơ sở dữ liệu kiểm định, phát hiện một số trường hợp có kết quả kiểm tra phanh giống nhau hoàn toàn, dữ liệu lưu bị thiếu 5 ngày trong tháng, Cục đã ra quyết định đình chỉ chức danh (1 tháng) của 1 đăng kiểm viên; còn tại TTĐK 4702D có dấu hiệu chỉnh sửa dữ liệu kết quả kiểm tra của thiết bị, Cục đã ra quyết định đình chỉ chức danh đăng kiểm viên (3 tháng) đối với ông L.Q.T (đây là thời hạn đình chỉ cao nhất được quy định tại Điều 14 Nghị định 63/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới).

Ngoài ra, qua kiểm tra đột xuất tại TTĐK 4704D, Cục cũng phát hiện 1 trường hợp xe không đạt các chỉ tiêu về độ lệch và đèn chiếu sáng phía trước, nhưng đăng kiểm viên của trung tâm vẫn kết luận phương tiện đạt yêu cầu. Theo ông Nguyễn Sĩ Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Đắk Lắk, kiêm Giám đốc TTĐK 4701D cho biết, để xảy ra những sai sót trên trong thời gian qua tại trung tâm là do sơ suất của nhân viên và lỗi của các thiết bị, máy móc (?!). Sau khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam nhắc nhở, Trung tâm đã có hình thức xử phạt hành chính đối với đăng kiểm viên để xảy ra sai phạm.

Đầu tư xây dựng TTĐK theo hình thức xã hội hóa là cần thiết, song không vì thế mà buông lỏng quản lý hoạt động ở các trung tâm. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm hạn chế các tiêu cực trong lĩnh vực này.

Theo Quyết định số 3771/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về phê duyệt quy hoạch tổng thể các TTĐK đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết số 188/2014 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2030 Đắk Lắk sẽ có 5 TTĐK xe cơ giới. Hiện tại, tỉnh có 4 TTĐK được đầu tư theo hình thức xã hội hóa đang hoạt động và 1 trung tâm đang xây dựng tại huyện Krông Búk.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.