Multimedia Đọc Báo in

Cùng góp sức vì bình yên thôn xóm

10:25, 26/10/2016

Tuy mới được triển khai nhưng “Tiếng kẻng an ninh” của Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar là một trong những mô hình tiêu biểu, phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.

Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự tại thôn có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt vào mùa thu hoạch cà phê thường xuyên xảy ra trộm cắp, gây rối trật tự công cộng. Trước tình hình đó, đầu năm 2015, Chi hội phụ nữ thôn đã thành lập mô hình "Tiếng kẻng an ninh" với sự tham gia của 80 thành viên, cùng nhau phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Để thực hiện tốt mô hình, hội viên phụ nữ đã tích cực vận động bà con nhân dân trong thôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng ngừa, phát giác, tố giác tội phạm. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, các thành viên được phân công phụ trách mô hình sẽ lắng nghe hội viên phụ nữ phản ánh tình hình an ninh trật tự tại thôn, những địa điểm xảy ra hoặc có khả năng xảy ra mất trật tự để xây dựng kế hoạch và đề ra các biện pháp cụ thể cùng phối hợp với các ngành chức năng đề ra phương án giải quyết.

"Kẻng an ninh" của Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Cư Dliê Mnông.

Vào lúc 21 giờ hằng đêm, tiếng kẻng an ninh vang lên nhắc nhở mọi người dừng các hoạt động vui chơi, giải trí phát sinh tiếng ồn trở về nhà và kiểm tra lại điều kiện an toàn trong gia đình. Sau khi dứt hiệu lệnh thì các thành viên trong tổ an ninh thôn sẽ triển khai công tác tuần tra, nếu phát hiện đối tượng gây rối an ninh trật tự, các sự cố phát sinh trên địa bàn sẽ báo động để người dân trong thôn kịp thời hỗ trợ xử lý. Bên cạnh việc báo hiệu giờ giới nghiêm, “tiếng kẻng an ninh” cũng được thống nhất để thông báo các hoạt động trên địa bàn như hội họp các đoàn thể, họp thôn. Riêng tiếng kẻng dồn dập, liên tục để báo động khi phát hiện những đối tượng trộm cắp, gây mất an ninh trật tự, hỏa hoạn… cần huy động sự giúp sức của nhân dân.

Từ lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ phối hợp với tổ tuần tra tự quản thôn, đến nay nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, “tiếng kẻng an ninh” đã nhận được sự đồng thuận của bà con nhân dân và phát huy hiệu quả tích cực. Tiếng kẻng không chỉ báo hiệu mà còn là lời cảnh tỉnh cho những đối tượng đã và đang có những tư tưởng xấu, hành động xấu. Nhiều người dân thôn 3 cảm nhận từ khi có mô hình, mọi người dường như đoàn kết hơn, chủ động giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn và phòng chống tội phạm. Cũng nhờ vậy mà họ phấn khởi, yên tâm hơn trong cuộc sống. Theo chị Nguyễn Thị An, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn đồng thời cũng là tổ trưởng mô hình, người dân thôn 3 đã quen với âm thanh của tiếng kẻng, cung cấp cho công an xã nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an bắt giữ hàng chục đối tượng trộm cắp tài sản của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Tiếng kẻng an ninh" ở thôn 3 đã góp phần đưa sinh hoạt của người dân đi vào nền nếp. Chị H’Yuôn Kđoh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Việc thành lập mô hình “Tiếng kẻng an ninh” là một trong những hoạt động thực hiện tiêu chí “5 không” trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Hội Phụ nữ phát động. Để mô hình ngày một phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng sang các thôn, buôn khác trên địa bàn nhằm đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng nếp văn hóa ở khu dân cư”. 

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.