Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình hỗ trợ phụ nữ bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

10:24, 05/10/2016

Hơn 2 năm trở lại đây, huyện Cư M’gar đã có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được hỗ trợ xây nắp đậy miệng giếng, bảo đảm nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước đây, hàng chục giếng đào của các hộ dân sống ở buôn Bling, xã Cư M’gar không có nắp đậy. Sau mưa lũ, nguồn nước thường bị ô nhiễm do rác thải, bùn đất, xác động thực vật có nhiều loại vi sinh vật gây bệnh chảy vào.  Những lúc như vậy thì nhiều hộ phải dùng chung một giếng nước, hoặc đi xa gánh nước về sử dụng, có người phải chấp nhận sống chung với nước bẩn vì không đủ tiền mua nước sạch.

 Gia đình chị H’Măm Knul, buôn Bling là một trong những gia đình được hỗ trợ tiền xây nắp đậy giếng trong đợt đầu nên từ 2 năm nay, nhà chị đã không còn cảnh đi bộ hàng cây số để xách, gùi từng can nước suối về sử dụng nữa. Từ khi giếng có nắp đậy, mọi sinh hoạt trong gia đình đều thuận lợi, sức khỏe của cả gia đình cũng được đảm bảo hơn. Chị cho biết: “Trước đây phải đi gùi nước xa quá, vào mùa mưa thì đường trơn dễ trượt chân rất nguy hiểm. Nước giếng chỉ dùng tắm rửa nhưng các cháu nhỏ cũng bị mẩn ngứa nên gia đình rất lo lắng. Không chỉ được hỗ trợ xây nắp đậy, gia đình tôi còn được tuyên truyền hiểu rõ được ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn nước. Giờ đây, không chỉ tôi mà bà con nơi đây đều hình thành thói quen mới, thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp rác thải quanh khu vực nhà ở để tạo môi trường sống trong lành hơn”.

Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar tuyên truyền cho hội viên phụ nữ cách bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch.
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar tuyên truyền cho hội viên phụ nữ cách bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch.

Cũng như nhiều hộ gia đình ở buôn Bling, Ami Nga cũng đã yên tâm hơn khi mùa mưa năm nay, gia đình không chỉ có nước sạch dùng trong sinh hoạt mà còn đủ nước để sử dụng vào việc vệ sinh chuồng trại cho gia súc, hay vệ sinh khu vực xung quanh nhà. Bà và các hộ dân quanh vùng không còn lo lắng về tình trạng các cháu nhỏ vui chơi quanh khu vực giếng không có rào che chắn, nắp đậy như trước.

Theo chị Phan Thị Hoa (Chi hội phụ nữ xã Cư M’gar), thấy cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con nơi đây, chị liên hệ với các chị em trong nhóm phật tử thiện nguyện tại TP. Buôn Ma Thuột quyên góp hỗ trợ các gia đình khó khăn xây nắp đậy giếng. Từ năm 2014 đến nay, đã làm được hơn 100 nắp đậy cho bà con ở xã Cư M’gar, Ea Mdroh, Quảng Hiệp… với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Để giúp người dân nông thôn bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, đảm bảo hợp vệ sinh, thời gian qua Hội LHPN huyện Cư M’gar đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường tại các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tiêu chí “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” tại 100% cơ sở Hội. Từ đó, các chị em và gia đình đã ý thức hơn trong việc ăn chín uống sôi, ngủ mùng; đặc biệt nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc nạo vét mương thoát nước hai bên tuyến đường giao thông, không để nước ứ đọng tràn lan trên đường. Các hộ gia đình cũng tự xây dựng các công trình vệ sinh không vứt rác bừa bãi... Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như “Tổ thu gom rác thải”, “CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Tổ phụ nữ tuyên truyền bảo vệ môi trường”…

Thiết nghĩ, để giúp người dân có nguồn nước sạch sử dụng sinh hoạt, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN cần đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, khắc phục tình trạng sử dụng nước sông, suối, giếng khơi không bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.