Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ vượt khó, thoát nghèo

09:48, 26/10/2016

Hội Phụ nữ xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) hiện có 1.046 hội viên, trong đó trên 60% hội viên là người dân tộc thiểu số, tham gia sinh hoạt tại 11 chi hội thôn, buôn.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Cư Suê đã tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, mô hình hoạt động cụ thể, qua đó giúp chị em vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Cư Suê đến thăm mô hình chăn nuôi bò của bà H’Le Êcăm.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Cư Suê đến thăm mô hình chăn nuôi bò của bà H’Le Êcăm.

 Từ năm 2011 đến nay, Hội Phụ nữ xã Cư Suê đã triển khai nhiều hoạt động giúp chị em nghèo, khó khăn có vốn đầu tư sản xuất như: tín chấp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 361 hộ hội viên vay trên 5,3 tỷ đồng; xây dựng và duy trì được 14 "Tổ tiết kiệm" giúp nhau vay vốn với  số tiền 250 triệu đồng, qua đó cho 60 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay; vận động tiết kiệm từ mô hình “ Nuôi heo đất” được trên 10 triệu đồng giúp 25 hội viên vay… Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với cán bộ khuyến nông xã, Hội Nông dân xã và các công ty tổ chức được 65 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, cách ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê,… thu hút 2.120 lượt hội viên tham dự.

Không chỉ hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ xã Cư Suê còn tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Chi hội phụ nữ thôn 4 vận động bà con trong thôn đóng góp 160 triệu đồng để làm 1,2 km đường cấp phối nội thôn; chị Nguyễn Thị Minh (Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2) vận động đóng góp được hơn 200 triệu đồng để bê tông hóa 0,6 km đường nội thôn và sửa chữa nhiều tuyến đường khác…  

Nhờ những hoạt động thiết thực nói trên, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội Phụ nữ xã Cư Suê đã giúp 43 hộ hội viên phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo bền vững. Trong đó, nhiều chị em đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điển hình là trường hợp gia đình bà H’Le Êcăm (thôn 6). Trước đây, bà H’Le làm công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk. Lương thấp, lại phải nuôi 9 người con khiến gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, bà H’Le được Hội Phụ nữ xã Cư Suê tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 7 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, bà đã mua 1 con bò cái sinh sản và 1 con bê. Chi hội Phụ nữ thôn 6 còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bà gạo, nhu yếu phẩm, cho vay thêm vốn do Chi hội tự đóng góp. Nhờ vậy, gia đình bà có điều kiện đã tập trung phát triển chăn nuôi bò, hiện nay với đàn bò 8 con, mỗi năm gia đình bà cho xuất chuồng từ 1-2 con bê, gia đình nay đã thoát được nghèo.

Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Suê cho biết: “Hiện trên địa bàn xã còn 66 hộ hội viên phụ nữ làm chủ hộ thuộc diện nghèo. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giúp chị em hội viên phát triển kinh tế, phấn đấu đạt bằng được chỉ tiêu bình quân mỗi năm giúp từ 7-10 chị làm chủ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.  

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.