Multimedia Đọc Báo in

Luôn khát khao cống hiến

10:24, 26/10/2016

Đã qua rồi một thời sôi nổi của tuổi trẻ nhưng cứ đến dịp 15 tháng 10 - ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN ) - các “thủ lĩnh” thanh niên một thời lại bồi hồi nhớ về những tháng năm cháy bỏng khát vọng cống hiến.

Một thời để nhớ

Với anh Nguyễn Hùng Thi, nguyên cán bộ Ủy ban Hội LHTNVN tỉnh (hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc) thì đó là một thời đầy hoài bão và nhiệt huyết với những trăn trở phải tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội. Đó cũng chính là động lực để anh và nhiều cán bộ Hội chủ chốt thời ấy đề xuất, khởi xướng nhiều hoạt động tình nguyện mà đến nay vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển như: các lớp học tình thương cho trẻ em nghèo; ngân hàng máu sống; xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu; các đợt về nguồn làm công tác xã hội từ thiện; các đội thanh niên xung kích bảo đảm an ninh trật tự ở khu dân cư…

Anh Thi chia sẻ: “Để lại trong tôi nhiều ấn tượng vẫn là phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Cứ đến tháng 6 hằng năm, đông đảo sinh viên, học sinh, thanh niên trong tỉnh lại háo hức đăng ký tham gia để được đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Giờ đây, trên cương vị công tác mới, tôi luôn thấy tự hào về chặng đường đã qua của tổ chức Hội LHTNVN tỉnh. Nơi ấy đã cho tôi được cống hiến để trưởng thành...”.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Buôn Đôn.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Buôn Đôn.

Còn với anh Lê Xuân Chiến, Phó Phòng Tổ chức - Biên chế (Sở Nội vụ), nguyên Chủ tịch Hội LHTNVN huyện Lắk, 20 năm gắn bó với công tác thanh niên là quãng thời gian khó quên, bởi đó là “môi trường” để anh rèn luyện, cống hiến. Một trong những kỷ niệm khó quên đối với anh khi còn tham gia các phong trào thanh niên là vào năm 1995, huyện Lắk phát động phong trào vận động người dân tộc thiểu số không phá rừng làm rẫy. Đoàn thanh niên, Hội LHTNVN huyện đã về xã Krông Nô thực hiện “3 cùng” với bà con. Ròng rã hơn 1 tháng “cắm buôn” tuyên truyền, vận động, cầm tay chỉ việc, giúp bà con biết trồng ngô ở những vùng đất ven đồi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, người dân đã dần thay đổi tập quán phá rừng làm nương rẫy…

Khơi dậy ở tuổi trẻ khát khao cống hiến

Phát huy truyền thống của Hội LHTNVN tỉnh, các phong trào do Đoàn, Hội phát động đã phát triển sâu rộng với nhiều nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Tuổi trẻ Đắk Lắk đã và đang có mặt ở những nơi khó khăn, những lĩnh vực có nhiều thử thách để rèn luyện và trưởng thành, tạo được dấu ấn đậm nét với cộng đồng, xã hội.

 
Không như trước đây, thủ lĩnh thanh niên ngày nay ngoài sự nhiệt huyết, phải nhanh nhạy, nắm bắt, cập nhật thông tin kịp thời về những điều mà thanh niên cần để qua đó có thể tổ chức nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu từng đối tượng thanh niên ở đô thị, nông thôn, công nhân”
 
 A nh   Võ Văn Dũng

Từ thực tiễn phong trào, đã có hàng nghìn thanh niên được kết nạp Đoàn, hàng trăm đoàn viên ưu tú được giới thiệu để tổ chức Đảng xem xét kết nạp; nhiều hội viên thanh niên đã trưởng thành và nắm giữ các vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể…

Chia sẻ về công tác Đoàn và phong trào thanh niên hiện nay, anh Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết, trong giai đoạn hiện nay việc tập hợp, đoàn kết thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thường xuyên quan tâm, chăm lo lợi ích và nhu cầu chính đáng của thanh niên trên tất cả các mặt; khơi dậy, tạo điều kiện để thanh niên lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và có cơ hội được cống hiến cho đất nước. 

 

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.