Nan giải xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội (Kỳ cuối)
Các tin liên quan |
Kỳ cuối: Hướng mở triển vọng
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 quy định rõ các nhóm tội danh về các hành vi vi phạm trong BHXH, BHYT, BHTN có thể được xem là giải pháp cứng để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài.
Cần những “công cụ” pháp lý hữu hiệu
Trên thực tế, tình trạng nợ đọng BHXH có thể nhìn nhận ở 2 góc độ: DN có điều kiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhưng không muốn đóng mà tận dụng nguồn này đưa vào sản xuất kinh doanh và chịu phạt chậm nộp hoặc thực tế là DN không có khả năng đóng do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp xử lý cũng phải theo từng trường hợp cụ thể. Theo ông Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc BHXH thành phố Buôn Ma Thuột, nếu thực sự DN khó khăn dẫn đến chậm đóng BHXH thì cơ quan BHXH và DN nên phối hợp để cùng tìm cách gỡ khó, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Nhưng, với những DN lợi dụng tình hình khó khăn chung để chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là cố tình chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động thì cần phải xử lý mạnh để răn đe.
Cán bộ BHXH thành phố Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân giải quyết chế độ liên quan. |
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để tăng hiệu quả công tác thu nợ, thời gian tới BHXH tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Thanh tra, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHYT, BHXH, BHTN và tiến hành xử phạt những đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp với Chi cục Thuế trong việc phát hiện những đơn vị có hành vi trốn đóng (tức là kê khai thuế nhiều, nhưng khi đóng BHXH thì lách luật, trốn đóng). Thậm chí, trong trường hợp những đơn vị nợ kéo dài, cố tình chây ỳ, BHXH tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc có thể không cho tham gia đấu thầu các dự án.
Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành thanh tra tại những địa phương “nóng” có tỷ lệ nợ đọng trên 7% để có biện pháp cụ thể giảm thiểu nợ đọng. Mặt khác, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông để người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ việc đóng đúng, đóng đủ, kịp thời không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
|
Song song với những giải pháp mạnh của địa phương, Bộ luật Hình sự sửa đổi và Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực được xem là những căn cứ pháp lý vững chắc để các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng tiền BHXH vì các mục đích khác ở các DN. Bởi, theo điều Điều 214 (Tội gian lận BHXH, BHTN), 215 (tội gian lận BHYT) và 216 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động) của Bộ luật Hình sự sửa đổi, các hành vi trên có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng, phạt tù lên đến 10 năm. Còn Bộ luật Tố tụng dân sự giao trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện hoặc tham gia tố tụng liên quan đến tranh chấp lao động.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội
Các quy định pháp luật chặt chẽ về xử lý gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN được ban hành thể hiện động thái quyết liệt của Nhà nước ta đối với vấn đề này. Song, về lâu dài, để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN nói trên, ngoài các chế tài xử lý thì công tác tuyên truyền cho các đối tượng là chủ DN hiểu được tính chất an sinh xã hội của BHXH, BHYT, BHTN đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi, chỉ khi chủ sử dụng lao động hiểu thì mới quan tâm đến quyền lợi của người lao động và phát triển DN theo hướng song hành giữa lợi ích kinh tế với lợi ích an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần phải tuyên truyền, làm cho người lao động hiểu được ý nghĩa của BHXH, BHYT đối với bản thân mình, từ đó chủ động đóng góp và tham gia kiểm soát quyền lợi của mình tại DN. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành BHXH và các cơ quan Nhà nước, cần có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với vai trò, chức năng giám sát, phản biện.
Rõ ràng, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của toàn xã hội. Vì vậy, công tác giải quyết vấn đề này và việc bảo vệ lợi ích cho người lao động không phải của riêng cơ quan, đơn vị nào mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị.
Kim Oanh – Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc