Những "đầu tàu" ở buôn làng
Những năm qua, các già làng người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cư M’gar đã phát huy vai trò nêu gương sáng, là cầu nối trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với cương vị là Bí thư chi bộ buôn Brah (xã Ea Tul), lại được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, những năm qua, ông Y Thăn Hwing luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của buôn. Để làm tốt công tác vận động quần chúng, già Y Thăn luôn gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân. Từ đó, tất cả các công việc lớn, nhỏ của buôn đều được chi bộ đưa ra họp bàn, lấy ý kiến công khai, được nhân dân đồng thuận thì mới triển khai thực hiện.
Ông Y Thăn Hwing, Bí thư chi bộ, già làng buôn Brah (xã Ea Tul), đang tuyên truyền, vận động thanh niên trong buôn. |
Buôn Brah có 65 hộ với gần 400 nhân khẩu đều là người dân tộc Êđê. Để xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường nông thôn mới, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa… già Y Thăn đã thống nhất với bà con trong buôn mỗi năm đóng góp quỹ buôn 500.000 đồng/hộ trên tinh thần “dân bàn, dân đóng góp và dân thực hiện”. Từ nguồn đóng góp này cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay 100% đường trong buôn đều đã được bê tông hóa; nhà văn hóa cộng đồng được xây mới. Người dân còn có ý thức tự thu gom, tiêu hủy rác thải sinh hoạt, rọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu trước đây sang hình thức làm chuồng trại cách xa khu sinh hoạt… tạo nên bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, chất lượng đời sống ngày một nâng lên.
Già làng Y Đét Niê (Ma Jubi), 62 tuổi, người có uy tín ở buôn Yông B (xã Ea Đrơng) không chỉ là tấm gương vượt khó trong lao động sản xuất, mà còn thường xuyên giúp đỡ các hộ khác vươn lên thoát nghèo. Năm 2008, với cương vị là già làng, ông Y Đét đã từng bước vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất. Để bà con tin tưởng làm theo, với 1,4 ha cà phê nhà mình, ông đã trồng xen tiêu, sầu riêng để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất, đồng thời vận động các hộ khác làm theo. Chỉ sau 2-3 năm, gia đình ông Y Đét đã thu lãi trên 200 triệu đồng/năm từ vườn cây, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Ông Y Đét còn hỗ trợ vốn vay không lãi suất, “cầm tay chỉ việc” cho nhiều hộ dân khác trong buôn cùng phát triển kinh tế. Đến nay, 100% số hộ trong buôn đã thay đổi tập quán canh tác, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh việc giúp bà con phát triển kinh tế, già làng Y Đét Niê còn là “quan tòa” của buôn giúp địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, giáo dục con cháu. Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, mỗi khi có dịp, ông Y Đét còn đến từng hộ trong buôn để tuyên truyền vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch, ăn ở hợp vệ sinh, nhất là không nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ xấu.
Bà H’Er Niê Kđăm, Chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Cư M’gar cho biết, huyện Cư M’gar có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người DTTS có 17.046 hộ, chiếm gần 50% dân số. Những năm qua, người có uy tín nói chung, già làng nói riêng trên địa bàn huyện đã luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm; tích cực vận động các thành viên trong gia đình, cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; gương mẫu đi đầu trong phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới… góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội giữ ổn định tình hình an ninh chính trị của huyện.
Huyện Cư M’gar có 17 đơn vị hành chính cấp xã, 189 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 70 buôn đồng bào DTTS tại chỗ; 100 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó có 50 già làng. Trong năm 2015, huyện có 3 già làng được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen vì có đóng góp tích cực trong phong trào “Tuổi cao - Gương sáng, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương đất nước”, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc