Vượt lên nghịch cảnh
Mặc dù sinh ra không được may mắn, nhưng bằng nghị lực, ý chí quyết tâm, các em vẫn không ngừng nỗ lực để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không thể cho Đỗ Trần Tố Uyên (học sinh Trường THPT Chu Văn An, TP. Buôn Ma Thuột) một cơ thể lành lặn như bao người khác. Bố Uyên – chú Đỗ Quốc Khánh nhớ lại: “Uyên được chuẩn đoán bị bệnh xương thủy tinh từ khi trong bụng mẹ. Vì sinh ngược nên lúc chào đời, cả đôi tay và chân của Uyên đều bị gãy…”.
Tuổi thơ của em là chuỗi ngày dài với những giọt nước mắt đau đớn vì hết lần này đến lần khác bị gãy xương. Uyên nay đã 16 tuổi, chú Đỗ Quốc Khánh không thể nhớ hết con gái đã bị gãy xương bao nhiêu lần, bởi có những tuần, Uyên bị gãy cả tay lẫn chân. Nhiều khi vết thương cũ chưa kịp lành, thì vết thương mới lại đến. Những vết thương in hằn lên đôi tay, chân và thậm chí toàn cơ thể mềm oặt.
Đỗ Trần Tố Uyên được bố bế đến nhận học bổng hiếu học năm 2016. |
Hiện đang học lớp 10, nhưng Uyên có thể trạng rất yếu, chỉ cao 90 cm, nặng 11 kg, không thể đi lại bình thường, hầu hết mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc người thân trong gia đình. Tháng nào, em cũng được bố mẹ đưa xuống TP. Hồ Chí Minh để tái khám, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Mỗi lần nhìn con quằn quại đau, bố mẹ càng đau hơn, nhưng chỉ biết động viên con, đồng thời cố gắng bươn chải để có kinh phí chữa trị.
Chịu nhiều thiệt thòi do căn bệnh quái ác gây ra, nhưng mọi đau đớn không thắng được niềm khát khao đến trường, nỗi đau xương giòn gãy không khuất phục được nghị lực dẻo dai của em. Được sống trong vòng tay yêu thương của thầy cô, bè bạn, Uyên càng nỗ lực học lấy con chữ. Đều đặn hằng ngày, không kể nắng, mưa, em được gia đình đưa đến lớp học tập. Vốn thông minh, lại chịu khó, Uyên luôn đạt thành tích học tập khá, giỏi ở những năm tiểu học và THCS. Em đặc biệt yêu thích môn Toán, Hóa. “Trên lớp, em cố gắng tiếp thu bài giảng của giáo viên, tối lại được một chị sinh viên kèm cặp để nắm vững kiến thức hơn. Nhiều khi thấy bạn bè đùa vui giờ giải lao, em hơi chạnh lòng, nhưng rồi cũng quen dần, em tranh thủ đọc sách, ôn bài và trò chuyện với các bạn trong lớp nhiều hơn” - Uyên bộc bạch.
Nhìn dáng vẻ và những khó nhọc mà Uyên trải qua, ít ai có thể nghĩ em lại có nghị lực phi thường đến vậy. Cuối những năm cấp 2, em đã định hướng nghề nghiệp cho chính mình; đó là ngành Công nghệ thông tin bởi nó phù hợp với em.
Thầy cô trường THPT Trường Chinh (huyện Ea H’leo) vẫn nhớ hình ảnh cô học trò Trần Ngọc Hạnh. Từ nhỏ, Hạnh bị khuyết tật hệ vận động, không thể đứng vững. Đều đặn 12 năm liền, bố, mẹ, người thân, bạn bè trở thành “đôi chân” đưa Hạnh đến trường, chắp cánh niềm tin cho Hạnh. Vượt mọi khó khăn, Hạnh luôn đạt thành tích học tập giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Không chỉ vậy, em còn tận tình hướng dẫn các bạn cùng lớp học, làm bài tập. Hiện tại em đang là sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng…
Cũng như Uyên, Hạnh, còn không ít bạn trẻ phải gánh chịu nỗi đau khuyết tật hay những căn bệnh quái ác, nhưng được sự quan tâm trợ giúp của gia đình và xã hội, cùng với nghị lực đáng khâm phục, các em kiên trì và nỗ lực vượt qua trở ngại trên con đường đến trường để vươn tới ngày mai.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc