Multimedia Đọc Báo in

Quần áo miễn phí ấm lòng người nghèo

08:48, 27/11/2016
Khoảng 3 tháng nay, tủ quần áo miễn phí đặt trước nhà số 03A, Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo đã giúp nhiều người nghèo có được những bộ quần áo tươm tất.

Với nhiều người, có được bộ quần áo đàng hoàng, đôi giày lành lặn không phải là điều đơn giản. Chị Thảo muốn làm được điều gì đó có ích để giúp đỡ, sẻ chia với những khó khăn, thiếu thốn của người nghèo. Làm công việc kinh doanh, nhiều lần đến TP. Hồ Chí Minh thấy những quầy bánh mì, tủ quần áo, bình nước miễn phí ở đây rất thiết thực với những bác xe ôm, chị bán hàng rong, nên chị nảy sinh ý tưởng làm tủ quần áo miễn phí cho người nghèo. Để thực hiện ý tưởng của mình, chị thuê người đóng cái tủ lớn rồi kêu gọi người thân, bạn bè giúp đỡ quần áo với phương châm đơn giản: “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến nhận”. Khi có người ủng hộ quần áo, chị đi thu gom về giặt sạch, phân loại rồi cho vào tủ hoặc túi ni lông để phục vụ những người có nhu cầu. Công việc bận rộn, chị vẫn thường xuyên kiểm tra tủ quần áo để sắp xếp lại cho gọn gàng và bổ sung thêm đồ.

Chị Thảo tặng quà cho người nghèo tại xã Krông Nô, huyện Lắk.
Chị Thảo tặng quà cho người nghèo tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

Hôm chúng tôi mang mấy bộ quần áo cũ đến ủng hộ thì gặp một phụ nữ phấn khởi ra về với mấy bộ đồ vừa chọn được. Hỏi chuyện mới hay, chị sức khỏe yếu, nhà lại nghèo, nghe hàng xóm giới thiệu về tủ đồ “cũ người mới ta” này nên đến chọn mấy bộ về mặc cho đỡ tiền mua. Chị Thảo cho biết, ngày nào cũng có người đến đây nhận quần áo, có người chọn được cả túi lớn vừa đồ người lớn, vừa đồ trẻ con. Để công bằng và giúp đỡ được nhiều người, chị đề ra nguyên tắc mỗi người không được nhận quá 7 món đồ quần, áo, giày dép, cặp sách… Điều khiến chị vui là mỗi bộ đồ, đôi giày tuy giá trị không lớn nhưng đã mang đến niềm vui, hơi ấm cho những người nghèo. Cách đây ít ngày, có người phụ nữ đến đây chọn được bộ áo dài ưng ý cứ đứng ngắm một hồi lâu, hóa ra từ trước tới nay chị chưa bao giờ được mặc áo dài, giờ nhận được đồ miễn phí nên rất vui. Hay như có một số người dân tộc Dao ở huyện lên trình bày rằng cả xóm hầu như nhà nào cũng nghèo khó, muốn được nhận nhiều quần áo, chị Thảo gói cho 5 bịch to quần áo các loại để họ đem về chia cho mọi người. “Nhìn những người nghèo vui khi nhận được đồ, mình cảm thấy có thêm động lực tiếp tục mở rộng tủ đồ miễn phí để giúp đỡ nhiều người hơn”, chị Thảo tâm sự.

“Tấm lòng trao đi, nụ cười ở lại”

Đó là tâm niệm của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo khi làm việc thiện. Bởi vậy, không chỉ xây dựng tủ quần áo miễn phí, nhiều năm nay, chị còn tham gia nhiều hoạt động nhân ái như cứu trợ gạo cho người dân vùng thiên tai, chương trình áo ấm mùa đông, nâng cánh ước mơ cho trẻ em nghèo… Hiện chị cũng đang nhận tài trợ học bổng hằng năm cho một em học sinh là con của vợ chồng khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.

Nhiều người biết được việc làm ý nghĩa của chị Thảo nên sẵn sàng ủng hộ tiền, quần áo, nhu yếu phẩm để giúp người nghèo. Chị Trần Thị Trang, nhân viên kế toán của một doanh nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột đã 2 lần mang quần áo cũ của gia đình đến ủng hộ. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ với người thân, bạn bè và đưa thông tin lên mạng xã hội cho nhiều người biết để đến ủng hộ hoặc nhận đồ. Bên cạnh các cá nhân quyên góp quần áo cũ, có những shop quần áo, giày dép sẵn sàng ủng hộ cả đồ mới, hay nhiều mạnh thường quân ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang cũng gửi hàng đến ủng hộ. Nhận được nhiều quần áo, thực phẩm, người phụ nữ có tấm lòng thơm thảo ấy lại phối hợp cùng các hội, nhóm từ thiện tổ chức đi tặng cho người nghèo và học sinh vùng sâu vùng xa tại huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc… Chị cho biết, để những tấm áo đến được với nhiều người nghèo khó, sắp tới chị sẽ kết nối thêm tình nguyện viên và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên để mở rộng tủ đồ miễn phí tại các địa phương, đặc biệt là những địa bàn có nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số.               

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.