Tai nạn giao thông: Nỗi đau không của riêng ai!
Mặc dù thực hiện nhiều giải pháp, song tai nạn giao thông (TNGT) vẫn đang tiếp diễn hằng ngày, trở thành vấn nạn của xã hội. Mỗi một vụ TNGT xảy ra để lại nỗi đau không chỉ về tinh thần, thể xác của người bị nạn mà kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với người thân của họ.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ở nước ta trung bình mỗi năm TNGT đường bộ cướp đi sinh mạng của 10.000 người và bị thương 20.000 người, kéo theo đó là hàng nghìn gia đình phải chịu cảnh tang thương, mất mát. Tại Đắk Lắk, năm 2016, TNGT đã được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2015, song số người tử vong vẫn còn cao, trung bình mỗi tháng có 18 người ra đi vĩnh viễn, 33 người bị thương do TNGT. Đó chỉ là con số thống kê, còn thực tế sẽ lớn hơn nhiều do một số vụ tai nạn xảy ra, người nhà không khai báo với cơ quan chức năng.
Còn nhớ vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào cuối tháng 1-2015 trên địa bàn xã Hòa An (huyện Krông Pắc) đã cướp đi sinh mạng của 3 người trong 1 gia đình, để lại cháu bé Trần Hoàng Kim Ly 4 tuổi bơ vơ. Gần 2 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến ai cũng thấy day dứt bởi hoàn cảnh thương tâm của cháu bé sống sót kỳ diệu trong vụ tai nạn này. Cùng một lúc mất cả cha lẫn mẹ và chị gái là nỗi đau không gì có thể khỏa lấp đối với bé Ly.
Sau gần 2 năm bị tai nạn, chân em H’Chuyền Mlô (thứ 2 bìa phải) vẫn chưa hồi phục. |
Có chồng mất vì TNGT hơn 8 năm nay, chị H’Saly Niê Hrah, xã Ea Bông (huyện Krông Ana) vẫn không thể quên được cái ngày định mệnh ấy, khi chị đang mang bầu đứa con thứ 2 được 4 tháng thì chồng chị ra đi vĩnh viễn do TNGT. Nỗi đau đến đột ngột khiến chị ngã quỵ, nhưng vì con chị phải gắng gượng vượt qua. Mất chồng đồng nghĩa với việc mất đi trụ cột, chỗ dựa trong gia đình khiến cuộc sống của 3 mẹ con chị trở lên bấp bênh. Không có nhà, mẹ con chị xin ở tạm nhà chị gái; không tấc đất sản xuất, để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi con ăn học, chị phải làm thuê nay đây mai đó.
Em H’Chuyền Mlô, ở buôn Jang Lành, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) sau gần 2 năm bị TNGT vết thương trên chân em vẫn chưa thể hồi phục. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ bị chứng tâm thần, H’Chuyền là chị cả của 7 đứa em đang tuổi ăn học. Là lao động chính trong nhà, trước đây mọi việc đồng áng đều do mình em cáng đáng, kể từ ngày bị tai nạn, khó khăn lại chồng chất khó khăn, người em kế là H’Tết Mlô phải bỏ học nửa chừng đi làm thuê để lo cuộc sống hằng ngày của 9 mẹ con.
Mới đây nhất là vụ lật xe khách vào ngày 24-10 đoạn qua địa bàn xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ khiến 15 người bị thương, vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng để lại nỗi ám ảnh đối với người bị nạn. Bà Đặng Thị Lợi, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) kể lại, hôm đó, bà đón xe từ huyện Krông Búk đi Bình Dương, mới lên xe được một lúc thì gặp nạn; bà bị thương ở mặt và tay. Phải sau 10 ngày sức khỏe của bà mới ổn định, nhưng để lành các vết thương nặng cũng mất nhiều thời gian. Cũng là nạn nhân trong vụ lật xe này, ông Dương Văn Điểm (ngụ tỉnh Gia Lai) bị thương ở vùng mắt, vì nhà neo người lại ở xa nên trong thời gian điều trị tại Đắk Lắk ông phải nhờ người em ở huyện Ea Súp chăm sóc. Sau nửa tháng vết thương ở mắt dần bình phục, nhưng giờ ông vẫn thấy rùng mình khi nhớ lại vụ lật xe hôm đó.
Để TNGT không còn là nỗi ám ảnh, là nỗi đau với từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội, mỗi người khi tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo vệ mình và người khác. Bên cạnh đó, hành động để xoa dịu nỗi đau, sự mất mát do TNGT gây ra cũng cần được xã hội quan tâm, chia sẻ với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại” như khẩu hiệu tuyên truyền về Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm nay.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, năm 2016 (từ 16-11-2015 đến 15-10-2016), Đắk Lắk xảy ra 429 vụ TNGT, làm chết 217 người, bị thương 398 người, so với năm 2015 giảm 10 vụ, 13 người chết và 24 người bị thương. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc