Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở Giang Đông: Nỗi buồn từ hủ tục
Hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là một trong những nguyên nhân khiến nghèo khó tồn tại dai dẳng ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng).
Hạnh phúc trớ trêu
Sinh năm 1992, nhưng chị Hờ Thị Liên đã lập gia đình hơn 10 năm nay. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền khiến chị già dặn hơn lứa tuổi 25. Chị và anh Vàng A Sinh (SN 1990) vốn là con cô con cậu, lại chung sống ở cùng thôn nên thân quen nhau từ nhỏ. Ở tuổi thiếu niên, tình cảm của đôi trẻ chuyển từ tình anh em sang tình yêu trai gái, dù vẫn biết là cận huyết thống. Biết tin cán bộ địa phương có khuyên can, nhưng họ không nghe theo vì cho rằng đó là chuyện bình thường. Hiện tại, vợ chồng Liên đã có 3 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi…
Mới đây, thôn Giang Đông tiếp tục có thêm cặp vợ chồng vừa tảo hôn, vừa kết hôn cận huyết thống. Cách đây hơn 1 năm, Thào Thị Sinh (SN 1997), ở miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk thăm nhà cậu ruột, và đã phải lòng con cậu là Cứ A Dê (SN 1996). Biết tin, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, khuyên nhủ, nhưng họ vẫn nhất quyết kết hôn…
Trẻ em ở thôn Giang Đông tự chơi với nhau để bố mẹ lên nương rẫy. |
Lý giải cho việc kết hôn cận huyết thống, nhiều người dân địa phương cho biết, đồng bào Mông quan niệm chỉ cần yêu thương nhau và khác họ thì có thể kết hôn dù đó là con cô con cậu, anh em họ hàng. Còn nếu cùng họ, thì dù không thân thích, hay đã yêu nhau vẫn không thể kết hôn.
Hệ lụy nặng nề
Không chỉ kết hôn cận huyết thống, nạn tảo hôn, đông con khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên nghèo khó. Nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ nhưng đã tay bế, tay bồng, như trường hợp vợ chồng Vàng A Tòng (SN 1999) và Giàng Thị Nghĩa (SN 2003), Sùng A Pua (SN 1997) và Thào Thị Mai (SN 1996), Thào A Xu (SN 1990) và Vàng Thị Công (SN 1997)…
Đáng tiếc hơn, có em chăm chỉ học hành, thường xuyên đạt học lực khá, giỏi, tương lai đang rộng mở, nhưng vì hủ tục nên dở dang việc học, như trường hợp của Vừ Thị Cu (SN 2000) và Chảo Tiến Đức (SN 1996), hiện đã có 1 đứa con…
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ
|
Vấn nạn tảo hôn, đông con, kết hôn cận huyết thống đang là thực trạng nhức nhối ở thôn nghèo Giang Đông. Hủ tục ấy không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và Gia đình, mà còn để lại nhiều hệ lụy đáng buồn cho những gia đình trẻ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, thể chất, trí tuệ và chất lượng dân số. Thực tế, y học cũng đã chứng minh, hôn nhân cận huyết có thể khiến cặp vợ chồng dù khỏe mạnh, lại có thể sinh con bị dị dạng hoặc các loại bệnh di truyền: mù màu, bạch tạng, da vảy cá…
Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cuộc sống của hầu hết các gia đình này rất khó khăn. Các cặp vợ chồng phải sống phụ thuộc cha mẹ, hoặc không có công việc ổn định, phải làm thuê kiếm sống qua ngày, nên kinh tế khá eo hẹp.
Vì kết hôn sớm nên nhiều trẻ đang độ tuổi đến trường bị thất học, thậm chí mù chữ; cộng thêm kinh nghiệm sống ít, nên vợ chồng thường xuyên xảy ra chuyện cãi vã, bạo lực gia đình… Trưởng thôn Giàng A Nụ cho biết, cũng vì mâu thuẫn gia đình, đầu năm nay tại địa phương xảy ra trường hợp tự tử bất thành…
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”.
Về phía địa phương, Ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Đăh cho biết, dù đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhưng tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra; nguyên nhân một phần do phong tục tập quán và nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp...
Quỳnh Đỗ
Ý kiến bạn đọc