Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ vững mạnh

09:04, 07/11/2016

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở vùng sâu, vùng xa là các nội dung trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ thực hiện trong thời gian qua nhằm thu hút hội viên, củng cố tổ chức hội vững mạnh.

Nhiều “kênh” thu hút hội viên

Chi hội phụ nữ buôn Jốk, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) có 329 hội viên, trong đó có 240 hội viên đồng bào dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ phụ nữ trong buôn hiểu biết hơn về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có kiến thức nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc, năm 2014, Chi hội đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) như “Nuôi, dạy con tốt gắn với không tin, không nghe theo tà đạo”, “Gia đình hạnh phúc”.... Sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, các chị được tuyên truyền nội dung của Đề án 704 về cách chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, nắm bắt tâm sinh lý và hình thành cho trẻ kỹ năng sống.

Thông qua sinh hoạt CLB, nhiều chị đã có chuyển biến về nhận thức, được chồng, con ủng hộ, tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động khác do hội phụ nữ cấp trên phát động. Với việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, Chi hội đã thu hút hơn 95% phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong buôn giảm từ 31% xuống còn 10%, hạn chế được trẻ em bỏ học và vi phạm pháp luật. Cuối năm 2015, có 340/375 hộ gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Xác định giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) luôn tích cực vận động chị em cùng giúp đỡ nhau sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Nhờ đó đã góp phần đáng kể giúp cải thiện đời sống cho hội viên, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.

Cán bộ  Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl chia sẻ  kinh nghiệm về  công tác tuyên truyền,  thu hút  hội viên tham gia sinh hoạt  Hội tại cơ sở.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội tại cơ sở.

Đa số các hội viên phụ nữ trên địa bàn sống bằng sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên đời sống gặp không ít khó khăn. Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, trong thời gian qua ngoài khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện, Hội còn vận động cán bộ hội viên thi đua thực hành tiết kiệm, sản xuất, chăn nuôi, giúp đỡ các gia đình khó khăn, trẻ em mồ côi, tàn tật. Từ năm 2011 đến nay, Hội đã vận động 100% hội viên tham gia tiết kiệm bằng nhiều hình thức như nuôi heo đất, góp vốn tiết kiệm, hũ gạo tình thương. Qua đó, đã nuôi được 80 con heo đất với tổng số tiền gần 100 triệu đồng, giúp 35 chị em phụ nữ vay vốn. Hội cũng thành lập được 26 nhóm tiết kiệm, góp vốn với số tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng giúp hàng trăm hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Nhiệm kỳ 2011-2016, các cấp Hội trong tỉnh đã phát triển mới 15.169 hội viên, tăng 5,5%, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 287.194 chị, đạt 75,32% chỉ tiêu đề ra.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Xây dựng cơ sở, chi hội xuất sắc, điển hình là một trong những mục tiêu mà các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, đặc biệt ưu tiên địa bàn các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Một trong những giải pháp thực hiện là rà soát, nắm chắc số hội viên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội. Trong đó, chú trọng tập hợp đối tượng phụ nữ cao tuổi, thanh niên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ ở vùng khó khăn và những nơi có tỷ lệ hội viên thấp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của các mô hình, CLB, tổ nhóm theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra, mỗi cán bộ Hội tại cơ sở là tuyên truyền viên tích cực vận động chị em tham gia thực hiện tốt các mục tiêu, đề án, nhất là chương trình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, nhằm giúp hộ phụ nữ nghèo có việc làm ổn định và thoát nghèo bền vững.               

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.