Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh Cư M'gar giúp nhau phát triển kinh tế

08:57, 20/12/2016

Phong trào “Cựu chiến binh (CCB) đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” trên địa bàn huyện Cư M’gar đã góp phần giúp hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Hội CCB huyện Cư M’gar hiện có 3.847 hội viên, sinh hoạt tại 22 tổ chức cơ sở hội. Những năm qua, để tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội CCB huyện vận động hội viên đóng góp xây dựng “Quỹ vì đồng đội” để giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn quỹ có khoảng 6,3 tỷ đồng, trực tiếp giúp trên 700 lượt hộ CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2.012 hộ hội viên vay hơn 53 tỷ đồng. Hầu hết hội viên đều sử dụng nguồn vốn vay hợp lý để đầu tư phát triển kinh doanh, sản xuất, đời sống được nâng lên rõ rệt.

Hội CCB huyện Cư M’gar đến thăm gia đình CCB Cao Xuân Lợi (ngoài cùng bên phải) vừa được hỗ trợ xây ngôi nhà mới.
Hội CCB huyện Cư M’gar đến thăm gia đình CCB Cao Xuân Lợi (ngoài cùng bên phải) vừa được hỗ trợ xây ngôi nhà mới.

Hội CCB xã Quảng Hiệp là một trong những đơn vị tiêu biểu với nhiều hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế. Hội CCB xã có 218 hội viên, đã huy động đóng góp được hơn 760 triệu đồng, giải quyết cho 44 lượt hội viên vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho 19 hộ vay vốn với số tiền 380 triệu đồng. Với sự giúp đỡ của các cấp Hội cùng ý chí vượt qua khó khăn, đến nay, số hộ CCB nghèo còn khoảng 5%.

Trước đây, gia đình CCB Đỗ Văn Giảng (thôn Hiệp Hưng) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình đông con, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2014, từ nguồn “Quỹ vì đồng đội”, Hội CCB xã Quảng Hiệp đã mua 1 con bò sinh sản hỗ trợ; sau đó, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để ông vay thêm 30 triệu đồng đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, con bò đã sinh sản, gia đình ông đã có số vốn kha khá, càng có thêm động lực để tiếp tục phát triển kinh tế.

CCB Cao Xuân Lợi (70 tuổi, thôn Hiệp Hưng) do tuổi cao sức yếu, ít đất đai sản xuất, căn nhà đang ở bị xuống cấp nghiêm trọng, không có điều kiện sửa sang. Thấu hiểu khó khăn, vất vả đó, đầu năm 2016, từ nguồn "Quỹ vì đồng đội” Hội CCB huyện hỗ trợ gia đình ông 40 triệu đồng để xây dựng nhà. Ngày dọn đồ về căn nhà mới ông rất vui mừng, phấn khởi bởi từ nay, không còn phải lo lắng chỗ che mưa, nắng, yên tâm làm ăn.

Hội CCB xã Ea Kuêh có 50% hội viên là người dân tộc thiểu số, Hội đã tín chấp cho 206 hộ vay với tổng dư nợ gần 5,6 tỷ đồng; vận động hội viên đóng góp “Quỹ vì đồng đội” được 253 triệu đồng, giúp 38 hộ vay vốn lãi suất thấp. CCB Y Uôn Niê (buôn Ayun), nhờ số vốn vay 10 triệu đồng để chăm sóc vườn cà phê, cuộc sống gia đình dần cải thiện, vươn lên thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Hay như CCB Hoàng Văn Phước (buôn Jarai), nhờ ý chí làm giàu cùng sự hỗ trợ của đồng đội, đã đầu tư mô hình trồng đa cây đa con trên cùng một diện tích, hằng năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tạo công việc ổn định cho 3 lao động trong buôn với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng và nhiều nhân công khác vào mùa vụ thu hoạch...

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Ea Kuêh cho biết: “Hiện nay, Hội CCB xã có 120 hội viên có mức kinh tế khá, giàu trở lên (chiếm 56,7%), hộ nghèo chỉ còn 6 hộ (chiếm gần 10%). Hội đang nỗ lực phấn đấu mỗi năm giảm từ 2,5-3% số hộ hội viên nghèo”.

Không chỉ xung kích trên mặt trận giúp nhau xóa đói giảm nghèo, các CCB trên địa bàn huyện Cư M’gar còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương như: xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều hội viên đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất với trị giá hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà sinh hoạt cộng đồng; tham gia làm mới, tu sửa, nâng cấp 27 km đường giao thông nông thôn; nạo vét gần 10 km kênh mương nội đồng; sửa chữa 3 cây cầu trị giá khoảng 250 triệu đồng...

Ông Ksơr Ho, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Cư M’gar cho biết: “Để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng hoạt động các tổ chức cơ sở hội; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp hội viên áp dụng hiệu quả vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.      

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.