Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn bạo lực gia đình: Nạn nhân hãy lên tiếng

07:01, 10/12/2016

Nếu gia đình tồn tại như một giá trị tốt đẹp nhất thì bạo lực gia đình là một tội ác. Nó phá vỡ cuộc sống nơi được coi là yên ấm nhất đối với mỗi con người. Tuy nhiên, chưa nhiều người nhận thức được rằng, nạn bạo hành gia đình vẫn tồn tại có phần nguyên nhân bởi sự im lặng chịu đựng của chính các nạn nhân…

Những bi kịch đau lòng       

Người dân xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) vẫn còn nhớ rõ bi kịch xảy ra ở gia đình chị N.T.H. Chỉ sau một năm chị H. lấy chồng, gia đình chị đã xảy ra thảm cảnh: chồng chết, cha đi tù. Nguyên nhân bắt nguồn tự sự bạo hành thường xuyên và sự xúc phạm của chồng H. đối với vợ và gia đình vợ. Thường xuyên “hứng” những trận đòn roi tàn nhẫn của chồng, chị H. chỉ biết im lặng chịu đựng, bao lần phải ôm con sang nhà hàng xóm “lánh nạn” giữa đêm khuya. Rồi cha chị chứng kiến cảnh con rể bạo hành con gái, lại lớn tiếng xúc phạm gia đình mình nên không giữ được sự bình tĩnh và đã lấy đi mạng sống của con rể trong lúc xô xát. Chồng chết, cha vào tù, chị H. ôm đứa con mới 5 tháng tuổi về sống với mẹ. Ngôi nhà vắng hẳn tiếng nói cười…

 Bà Nguyễn Thị Tần (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) cũng rơi vào hoàn cảnh vô cùng đau xót: con trai vào tù, con dâu mất mạng bỏ lại đứa cháu nội côi cút. Giữa tháng 11-2016, con dâu của bà Tần là N.T.K bị chính người chồng – cũng là con ruột của bà Tần - là Giang Văn Mạnh dùng búa đóng đinh đánh vào đầu dẫn đến tử vong trên đường đến bệnh viện. Bà Tần kể, chị K. thường xuyên bị chồng đánh nhưng không bao giờ nói với ai. Bà đã nhiều lần gặng hỏi về những vết bầm tím trên mặt và thân thể con dâu nhưng chị chỉ lắc đầu cho đến khi xảy ra thảm cảnh thì bà mới biết con dâu bị chồng bạo hành lâu nay.

Một hoàn cảnh đau lòng khác xảy ra với chị C.T.B. (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp). Vào ngày 19-10-2016, chồng chị là Trần Văn Hợp đã dùng súng bắn đinh bắn năm phát vào vùng đầu, trán và thái dương vợ. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã phải khoan mài sọ để lấy đinh và làm sạch vết thương cho bệnh nhân. Khi vụ việc xảy ra, bà con chòm xóm mới hay biết rằng từ lâu chị B. đã bị chồng bạo hành. Chị B. buồn tủi tâm sự: “Thỉnh thoảng bị chồng đánh, tôi cũng cho qua vì nghĩ rằng anh ấy tính nóng, hung hăng, thôi mình nín nhịn cho xong để êm cửa êm nhà, xấu chàng thì hổ thiếp. Ai ngờ, hôm đó anh ấy uống rượu, trong cơn hung hăng dùng cả súng bắn vợ như thế”. Vết sẹo xấu xí trên mặt và nỗi đau trong lòng có lẽ sẽ theo chị B. đến suốt cuộc đời…

Chị N.T.T (thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) mới đây cũng bị chồng dùng thanh gỗ đánh vào đầu trọng thương. Nguyên nhân là do ông chồng  đi đánh bạc về thua hết tiền, bị vợ khó chịu, cằn nhằn. Chồng chị T. đã bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, còn chị T. cũng coi như chấm dứt tình nghĩa với ông chồng vũ phu...

Nạn nhân đừng im lặng

Theo Chuyên gia tâm lý Mai Quang Sơn, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, bạo hành gia đình là một hành vi vi phạm đến đạo đức xã hội nhưng vẫn tồn tại bởi có sự “tiếp tay” của chính nạn nhân. Cũng vì suy nghĩ nín nhịn, chịu đựng cho gia đình yên ổn nên nhiều người vợ đã im lặng che giấu sự bạo hành của chồng.

Không chỉ có sự im lặng từ chính người trong cuộc, sự thờ ơ của hàng xóm, của cơ quan chức năng cũng khiến cho cảnh chồng đánh vợ tiếp diễn và ngày càng nguy hiểm. Khi giải quyết các vụ bạo lực gia đình, cơ quan chức năng, các bên liên quan vẫn cho rằng đó là chuyện gia đình, chuyện vợ chồng và chỉ nhắc nhở, hòa giải, cao hơn là xử phạt hành chính nên đã có nhiều trường hợp hòa giải hôm trước thì hôm sau lại gây bạo lực. Sự vô cảm này vô tình lại đặt thêm lên vai người phụ nữ áp lực mới, thậm chí là đẩy họ vào nguy hiểm thêm một lần nữa.

Luật sư Hàn Lâm (Đoàn Luật sư Đắk Lắk) khẳng định: Nếu nạn nhân không lên tiếng thì không ai giúp đỡ được. Để ngăn chặn nạn bạo hành, không có cách nào khác là chính nạn nhân phải lên tiếng, tìm hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Khi bị bạo hành, đừng cho rằng có lỗi của mình, đừng nhẫn nhục chịu đựng, đừng hy vọng người chồng sẽ thay đổi tâm tính bởi lẽ để cuộc sống gia đình êm ấm, tốt đẹp phải có sự nỗ lực chung tay của vợ và chồng.

Không ai khác ngoài chính nạn nhân mới có thể thay đổi tình trạng bị bạo hành của họ. Khi nạn nhân vẫn cam chịu, im lặng, không dám lên tiếng khi bị đánh, bị xúc phạm thì bạo hành sẽ còn đất sống…

 Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.