Multimedia Đọc Báo in

Người thợ ảnh của buôn làng

07:07, 10/12/2016

Năm nay, đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày ông Võ Đình Tám vẫn đi khắp các buôn làng trong huyện Krông Bông để chụp ảnh.

Năm 1975, gia đình ông Tám rời quê hương Duy Xuyên (Quảng Nam) vào định cư tại thôn 2, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). Đông con, vợ chồng ông phải lao động cực nhọc, vất vả nuôi con. Đến năm 1983, tình cờ làm quen với kỹ thuật chụp ảnh từ một người thợ sửa máy ảnh tại TP. Buôn Ma Thuột, ông Tám tò mò rồi say mê chụp ảnh. Ông đã dành dụm, tích cóp mua được cái máy chụp phim hiệu Pentax (máy cơ). Với chiếc máy ảnh và chiếc xe đạp cọc cạch, ông đã đi khắp các xóm làng và 21 buôn đồng bào thiểu số của huyện Krông Bông để chụp ảnh cho những người muốn lưu lại những khoảng khắc đẹp trong cuộc sống làm kỷ niệm. Ông Tám tâm sự: “Thời điểm từ năm 2000 trở về trước, nhiều người rất thích chụp ảnh nhưng ở huyện Krông Bông lại ít thợ chụp ảnh. Tôi không ngại khó khăn, mưa nắng, vất vả, sẵn sàng đến tận các gia đình ở vùng sâu, vùng xa để chụp ảnh cho họ. Nhìn khách hàng phấn khởi, hài lòng nhận được tấm hình đẹp, tôi thấy rất vui. Quãng thời gian này, chiếc máy ảnh là chỗ dựa về kinh tế để tôi nuôi sống gia đình, cho các con ăn học”.

Ông Tám vẫn nâng niu, cất giữ những chiếc máy ảnh chụp phim làm kỷ niệm.
Ông Tám vẫn nâng niu, cất giữ những chiếc máy ảnh chụp phim làm kỷ niệm.

Hàng chục năm lặn lội khắp các thôn xóm, buôn làng trong huyện chụp ảnh, ông Tám có biết bao kỷ niệm vui buồn. Tuy không có ảnh dự thi, không có ảnh đạt giải nhưng tình yêu nghề nhiếp ảnh đã ngấm sâu vào con người của ông. Giờ đây tuổi đã cao, sức yếu, kinh tế gia đình đã khấm khá nhưng ông Tám vẫn đi khắp các thôn, buôn, trường học để chụp hình cho mọi người, coi đó là niềm vui lúc tuổi già. Nhiều người dân huyện Krông Bông đã quen thuộc với hình ảnh người thợ chụp ảnh già chất phác, cần mẫn và chu đáo nên tuy nhiều người đã có máy chụp ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh nhưng vẫn nhờ ông chụp ảnh. Ông Tám chia sẻ: “Bây giờ nhiều hay ít khách hàng không quan trọng, tôi đi là để thăm bà con buôn làng, gặp gỡ, trò chuyện với những người lớn tuổi trong buôn, đàm đạo với những người đam mê nghệ thuật chụp ảnh… Tôi giờ cũng có máy chụp ảnh kỹ thuật số nhưng vẫn nâng niu, cất giữ những cái máy chụp phim làm kỷ niệm một thời”.   

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.