Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường liên kết trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:03, 16/12/2016

Để đưa nghề đến với nông dân, những năm qua, bên cạnh việc tổ chức dạy nghề tập trung tại đơn vị, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Cư M’gar còn linh động đưa các lớp dạy nghề về tận thôn, buôn và tăng cường liên kết với các đơn vị để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Có việc làm ổn định nhờ học nghề

Từ một thợ phụ hồ, anh Y Rôzal Byă ở buôn Sut Mđưng (xã Cư Suê) đã tự học hỏi trở thành thợ chính, có thể xây dựng nhiều loại công trình. Tuy nhiên, khi biết trong buôn có nhiều người đi học nghề tại TTDN huyện Cư M’gar và được cấp chứng chỉ, giúp việc hành nghề thuận lợi hơn, đầu năm 2015, anh quyết định ghi tên theo học. “Trước đây tôi chủ yếu làm theo kinh nghiệm, nghề dạy nghề. Sau khi trải qua 6 tháng học nghề xây dựng dân dụng tại Trung tâm, tôi nắm vững về lý thuyết, củng cố thêm kỹ năng thực hành nghề, đọc được bản vẽ. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, tôi tự tin nhận thầu 22 công trình xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn huyện Cư M’gar, Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột, tạo việc làm cho 30 người, trong đó có 10 học viên cùng khóa”, anh Y Rôzal bày tỏ.

Noi gương anh, nhiều thanh niên trong buôn cũng đã đăng ký học nghề tại Trung tâm hoặc theo anh học việc, làm thợ phụ. Qua học nghề xây dựng dân dụng, hiện buôn Sut Mđưng đã thành lập 5 nhóm thợ nhận xây dựng những công trình nhỏ trong và ngoài huyện.

Học nghề sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar.
Học nghề sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar.

Trước đây, chị Bùi Thị Ngọc Duyên ở buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) từng theo phụ mẹ cạo và thu hoạch mủ cao su tại Nông trường Cao su 30-4 (Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk). Sau khi mẹ nghỉ hưu, Duyên cũng chỉ quanh quẩn ở nhà vì chưa xin được việc làm. Khi được cán bộ nông trường thông báo về việc liên kết với TTDN huyện Cư M’gar tổ chức lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cao su, Ngọc Duyên mạnh dạn đăng ký tham gia khóa học vào tháng 7-2016. Sau 3 tháng, chị được cấp chứng chỉ hành nghề, được nông trường nhận vào làm việc và đến nay đã trở thành công nhân chính thức với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng.

 

Từ năm 2012 đến nay, TTDN huyện Cư M’gar đã tổ chức được 44 lớp đào tạo nghề cho 1.439 lao động nông thôn, trong đó 70-90% có việc làm sau học nghề. Sắp tới, Trung tâm sẽ xây dựng trại thực hành, thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn ngân sách huyện và huy động của doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết 3 bên trong đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của huyện về quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và kết nối, tạo đầu ra ổn định cho bà con.

 
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc TTDN huyện Cư M’gar

 

Tăng cường liên kết 3 bên

Trong số 35 học viên học nghề trồng và chăm sóc cây cao su với Ngọc Duyên, đã có 21 học viên được bố trí việc làm sau đào tạo theo hình thức liên kết 3 bên (TTDN, doanh nghiệp và người học). Ông Nguyễn Tiến Sĩ, Giám đốc Nông trường Cao su 30-4 cho biết, trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số lao động xin thôi việc khiến đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì vậy, để tạo nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật, nông trường đã chủ động liên kết với TTDN huyện Cư M’gar tổ chức lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cao su. Qua đó, vừa giúp đơn vị giảm bớt gánh nặng về chi phí đào tạo, học viên được học bài bản cả lý thuyết và thực hành nên có thể vào làm ngay sau khi học xong. Thời gian tới, nông trường sẽ tiếp tục liên kết với Trung tâm đào tạo nghề cho người lao động theo hình thức này.

Qua tìm hiểu được biết, để công tác liên kết dạy nghề đạt hiệu quả cao, TTDN huyện Cư M’gar áp dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm như cấp phát tài liệu, trao đổi gợi ý và cùng học viên thảo luận nội dung bài học ngay tại lớp và trên mô hình. Trong phần lý thuyết, Trung tâm mời giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trực tiếp giảng dạy. Đối với phần thực hành, nông trường đã cử cán bộ kỹ thuật và những công nhân có tay nghề giỏi trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kỹ năng cho học viên.

Ngoài Nông trường Cao su 30-4, trong năm 2015 và 2016, Trung tâm đã liên kết với Nông trường Cao su Phú Xuân, Nông trường Cao su Cuôr Đăng tổ chức được 4 lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cao su cho 134 lao động nông thôn. Phần lớn những lao động này đã có việc làm sau học nghề.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năm 2012 và 2016, Trung tâm đã cử 4 cán bộ, giáo viên đi đào tạo tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu chuyển giao công nghệ sinh học môi trường (Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh). Nhờ vậy, cán bộ, giáo viên Trung tâm đã làm chủ công nghệ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng 3 mô hình ngay tại Trung tâm gồm: chăm sóc nấm linh chi, rau công nghệ cao, hoa Tết để học viên, giáo viên thực hành nghề và sẵn sàng chuyển giao cho nông dân có nhu cầu.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc