Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng niềm tin vào cuộc sống

10:15, 06/12/2016

Họ là những thanh niên từng có quá khứ lầm lỗi, được xã hội dang rộng vòng tay nhân ái đón trở về và quan tâm giúp đỡ, động viên để hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân tốt.

Hơn 3 năm tù giam là cái giá mà V.Đ.D (xã Đray Sáp, huyện Krông Ana) phải trả cho hành vi tiêu thụ tiền giả. Sau khi chấp hành án phạt trở về địa phương, mang mặc cảm tù tội, chán nản, D. luôn sống khép kín, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Hiểu được tâm trạng của D., Ban Chấp hành Đoàn xã đã phân công đoàn viên thường xuyên đến gia đình động viên tham gia các sinh hoạt đoàn thể. Không những vậy, nhằm tiếp sức cho D. trên con đường lập thân, lập nghiệp, Đoàn xã tham mưu cho Hội Liên hiệp thanh niên huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để anh đầu tư trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy D. từng bước hòa nhập với cộng đồng, gây dựng niềm tin với gia đình, lối xóm.   

Đại diện Tỉnh Đoàn và  Công an tỉnh thăm hỏi, động viên, tặng quà  các đối tượng đang  chấp hành án tù  tại Trại giam Đắk Tân.
Đại diện Tỉnh Đoàn và Công an tỉnh thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng đang chấp hành án tù tại Trại giam Đắk Tân.

Tương tự, anh Y Th. (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) cũng bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam do tội cố ý gây thương tích. Thời gian chấp hành án phạt đủ để Y Th. nghiền ngẫm, nhận ra những sai lầm để hạ quyết tâm làm lại cuộc đời. Ngày mãn hạn tù trở về, anh được vay 20 triệu đồng từ vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp thanh niên huyện để xây chuồng trại, chăn nuôi heo. Bằng nghị lực vượt lên chính mình, với mong muốn làm giàu chính đáng trên quê hương, anh cần mẫn học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc đàn heo thật tốt, nhờ đó sau hai năm anh đã hoàn trả được số tiền vay. 

Còn với N.H.N. (xã Ea Păl, huyện Ea Kar), trước đây lỡ vướng vào “nàng tiên nâu”, trung bình mỗi ngày “đốt” khoảng 1 triệu đồng cho ma túy. Có lẽ tương lai của N. đã đi vào ngõ cụt nếu không có sự đồng hành, giúp sức của Đoàn xã trên hành trình giúp N. cai nghiện, đoạn tuyệt với ma túy. Để tạo công ăn việc làm, tránh xa bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập cũ, Đoàn xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để N. được vay 30 triệu đồng đầu tư trồng trọt. “Khi phát hiện tôi nghiện hút, các bạn trẻ không những không kỳ thị, xa lánh mà còn luôn đồng hành, động viên, kiên trì giúp tôi cai nghiện thành công. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để tôi quyết tâm từ bỏ lối sống cũ, làm lại tương lai”, N. tâm sự.

Trong buổi gặp mặt, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của những thanh niên hoàn lương, sau cai nghiện ma túy do UBND tỉnh vừa tổ chức, đã có 15 thanh niên tiếp tục được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn, với số tiền vay từ 20 đến 50 triệu đồng. 

Chị Lại Thị Loan, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Theo thống kê mới nhất của các cơ sở đoàn, trên địa bàn tỉnh hiện có 150 thanh niên sau cai nghiện ma túy đã hoàn lương. Để hỗ trợ những thanh niên này tái hòa nhập cộng đồng, Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: phân công đảng viên trẻ nhận cảm hóa thanh niên cá biệt tiến bộ, đoàn viên ưu tú giúp đỡ thanh, thiếu niên sau khi cai nghiện ma túy hoàn lương”. Bên cạnh đó các cấp Đoàn, Hội còn thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến, yếu thế sau cải tạo; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các phạm nhân là thanh niên ở Trại giam Đắk Tân, Đắk Trung, những thanh niên đã hoàn lương làm kinh tế giỏi nhằm định hướng, xác định cho mình một tương lai tốt đẹp hơn. Ngoài ra tổ chức đoàn còn phối hợp với các sở, ngành liên quan trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên sau khi cai nghiện, mãn hạn tù.

Một trong những hoạt động ý nghĩa được Tỉnh Đoàn triển khai có hiệu quả là đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho các đối tượng này vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Song song với việc khảo sát, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, Tỉnh Đoàn làm “cầu nối”, giúp thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn. Nhờ sự tiếp sức này nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu chính đáng, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Tuy nhiên thực tế hiện nay là nhu cầu vay vốn của những đối tượng này ngày càng cao, trong khi nguồn “cung” chưa đáp ứng được. Để tháo gỡ “nút thắt” này, tạo cơ hội cho thanh niên hoàn lương có công ăn việc làm, nghề nghiệp ổn định, môi trường sinh hoạt lành mạnh, không quay lại con đường cũ, Tỉnh Đoàn đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần có cơ chế vay thoáng hơn, với mức vay cao hơn hiện nay.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.