Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

09:00, 30/12/2016

Sau 7 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chủ động triển khai thực hiện

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai: Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc các cấp để tổ chức thực hiện đề án. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của đề án, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, triển khai điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 14 trung tâm dạy nghề công lập. Từ năm 2010 đến nay, ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư hơn 110 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề đã xây dựng và ban hành 82 bộ chương trình, giáo trình cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy nghề nông thôn trình độ sơ cấp. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề các cấp được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo nghề.

Lao động  nông thôn  học nghề may công nghiệp  do Trung tâm  Dạy nghề  Tây Nguyên  tổ chức  tại buôn M’Brê, xã Hòa Phú  (TP. Buôn Ma Thuột).
Lao động nông thôn học nghề may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề Tây Nguyên tổ chức tại buôn M’Brê, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Hằng năm, Ban chỉ đạo các cấp thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh, mở lớp, đào tạo, việc biên soạn, nội dung chương trình, giáo trình, thực hiện chính sách đối với người học nghề, tình hình việc làm và khó khăn của người lao động. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót của các đơn vị trong quá trình thực hiện đề án.

Hướng đến đào tạo nghề theo yêu cầu

Trong 7 năm  (2010 - 2016), số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 21.188 người, với tổng kinh phí trên 59,3 tỷ đồng. Qua thống kê của các địa phương, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 76%. Toàn tỉnh đã triển khai thí điểm một số mô hình dạy nghề hiệu quả và có khả năng nhân rộng như: trồng và khai thác nấm, chăn nuôi heo, chăn nuôi gà, trồng và chăm sóc tiêu, cà phê, xây dựng dân dụng…

Bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH) đánh giá, nhờ học nghề, lao động nông thôn đã chuyển từ làm theo kinh nghiệm với hiệu quả chưa cao đến làm chủ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Đối với những lớp học nghề phi nông nghiệp, người lao động sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp khi có trong tay chứng chỉ nghề, thời gian thử việc tại doanh nghiệp cũng được rút ngắn hơn. Nhiều lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư mở trại sản xuất nấm, tiệm sửa chữa xe máy, sửa chữa quần áo, nhận thầu các công trình xây dựng… đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Triển khai đề án trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 11.207 người, nghề phi nông nghiệp cho 20.814 người. Theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTBXH, để đạt được những mục tiêu của đề án trong giai đoạn tiếp theo cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là sự chủ động của lao động nông thôn. Các đơn vị quản lý và cơ sở dạy nghề cần chuyển từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động để đón đầu, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu, cụm công nghiệp.

Qua 7 năm thực hiện Đề án 1956 đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 52%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 16,93%. Chất lượng lao động khu vực nông thôn tăng lên đã góp phần giải quyết bài toán việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.