Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm thực phẩm an toàn cho ngày Tết

14:46, 20/01/2017

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, nhiều người dân đang đi tìm thực phẩm an toàn để sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, đường Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, gia đình chị tự nuôi gà, trồng rau xanh, một số cây trái để tiết kiệm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng những ngày Tết nhu cầu sử dụng nhiều hơn nên phải mua thêm. Để có được thực phẩm an toàn, thông qua giới thiệu của bạn bè, người thân, chị tìm đến tận các hộ trồng rau, ra tận vườn xem mới yên tâm mua về dùng. Còn với anh Trần Hoàng Sơn, huyện Buôn Đôn thì việc tìm thực phẩm sạch cho gia đình, bạn bè từ lâu đã trở thành nghề tay trái của anh. Trong các chuyến công tác về các xã trong huyện, anh thường tìm mua cá sông, rau, gà ta thả vườn và gửi xe buýt ra TP. Buôn Ma Thuột cho bạn bè, người thân. Theo anh, các loại thực phẩm an toàn, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng thường có hình thức xấu, nhưng ăn vào hương vị đậm đà, ngon miệng. Các dịp lễ, tết nhu cầu thực phẩm tăng cao nên nhiều gia đình, hộ chăn nuôi thường sử dụng thuốc kích thích, tăng trưởng thúc cho gia súc, gia cầm, rau củ tăng trọng nhanh để sớm đưa ra thị trường. Do đó, để mua được thực phẩm an toàn, bảo vệ tốt cho sức khoẻ của mình và người thân thì phải chịu khó tìm đến tận nhà, ra tận vườn tìm hiểu chứ không thể chỉ dựa vào lòng tin. Rau thì mua theo mùa, lựa gà theo bàn chân, những con gà sờ thịt chắc, lòng bàn chân chai sạn, xù xì là gà ngon, còn heo thì những con bụng phệ, móng chân nhọn, nhanh nhẹn, khi ra thịt miếng thịt chắc, bì dày nhưng không dai, mỡ nhiều nhưng ăn không ngán. 

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn tại một cửa hàng trên đường Phan Chu Trinh.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn tại một cửa hàng trên đường Phan Chu Trinh.

Với mục đích đem đến bữa ăn an toàn cho người tiêu dùng và tìm đầu ra cho thực phẩm an toàn trên địa bàn, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thực phẩm sạch Buôn Ma Thuột đã đến tận các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm cho từng gian hàng. Bà Trần Ngọc Đan Thùy, Giám đốc công ty cho biết, ngày Tết nhu cầu sử dụng rau tăng nên đơn vị đã liên kết, đặt hàng từ tháng 11, tháng 12 (tùy loại rau), trong đó rau hữu cơ đặt hàng từ trang trại của Công ty TNHH H.T Farm; rau ăn lá, gia vị tại HTX nông nghiệp Thuận Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột); các loại củ, quả tại HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar); măng tây xanh từ siêu thị Metro, HTX Tân Tiến (Lâm Đồng)...

Nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng nên bên cạnh bỏ mối sản xuất cho các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn, các HTX, doanh nghiệp còn triển khai chương trình bán rau qua các trang web của công ty hay mạng xã hội Facebook, Zalo, Line, Instagram… Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần vào các trang đó đặt hàng trực tiếp hoặc gọi điện thoại đến bộ phận kinh doanh và nhận hàng tại nhà. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.