Giúp đỡ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
Cũng như nhiều địa phương khác, trên địa bàn huyện Krông Pắc có nhiều thanh thiếu niên lầm lỡ, vi phạm pháp luật đã phải trả giá bằng những năm tháng tù tội hay trại cải tạo.
Những thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí chịu sự kỳ thị của những người xung quanh. Để giúp các đối tượng hoàn lương sớm hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua Huyện Đoàn Krông Pắc đã có nhiều hoạt động thiết thực.
Bên cạnh tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng không xa lánh, kỳ thị thanh niên hoàn lương, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đưa ra chỉ tiêu: mỗi cơ sở Đoàn đăng ký đảm nhận giúp đỡ ít nhất một thanh thiếu niên cá biệt, sau cai nghiện ma túy, hoàn lương vào nội dung chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi để đánh giá xếp loại thi đua hằng năm. Đồng thời, tổ chức gặp mặt thanh niên hoàn lương theo từng quý, từng tháng để động viên, khích lệ họ tham gia các hoạt động đoàn thể nhằm xóa bỏ mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Riêng trong năm 2016, đã có 33 thanh thiếu niên cá biệt, sau cai nghiện, hoàn lương được các cơ sở Đoàn tiến hành giúp đỡ thành công.
Anh Lương Phước Nhật chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kế hoạch phát triển kinh tế tại buổi gặp mặt với chính quyền, đoàn thể, các đơn vị liên quan của địa phương. |
Nhiều mô hình thanh niên hoàn lương tốt, sản xuất giỏi có tác động tích cực đến các thanh niên hoàn lương khác. Tiêu biểu, đó là Lương Phước Nhật (sinh năm 1990) trú tại thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng không chỉ tái hòa nhập cộng đồng tốt mà còn là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ở cái tuổi còn bồng bột nhất, do không kiểm soát được bản thân, Nhật đã đánh người gây thương tích và phải lãnh án 2 năm tù. Cải tạo xong, anh chăm chỉ làm ăn, vay vốn làm trang trại theo mô hình VAC gồm chăn nuôi lợn, bò; trồng cà phê, bắp cải, mướp đắng; nuôi cá… thu lại lợi nhuận cao. Anh Nhật cho biết, ngoài làm kinh tế trang trại anh còn mở lớp dạy võ karatedo cho các em học sinh ở Nhà văn hóa Ea Phê và dự định mở lớp tiếp theo ở Vụ Bổn nhằm nâng cao sức khỏe, khả năng tự vệ, kiềm chế bản thân cho các em. Từ đó gửi gắm con cái, nên anh được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng, số lượng học sinh ngày một tăng lên. "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", biết sai rồi sửa sai để cố gắng hoàn lương, sống có ích là điều mong muốn của mọi người. Nhờ quá trình phấn đấu vươn lên đó, Lương Phước Nhật được Huyện Đoàn trao 20 triệu đồng để mở rộng kinh doanh, xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng trong thanh thiếu niên hoàn lương.
Bên cạnh tấm gương Lương Phước Nhật, còn nhiều thanh niên hoàn lương đang trong hành trình vươn lên làm lại cuộc đời, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Phan Đức Tri (sinh năm 1988) ở buôn Đắk Rơ Leang 2, xã Ea Uy vẫn đang cố gắng từng ngày để hòa nhập cộng đồng, phát triển sản xuất. Từng lãnh án 7 năm tù do đánh người, gây thương tích vào năm 2008, cải tạo xong anh về quê vay mượn tiền bạc nuôi rắn, mối nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, vốn ít nên không đủ tiềm lực để duy trì. Tri chia sẻ, hiện tại anh đang vừa làm tài xế chuyên chở đất cho một hợp tác xã sản xuất ở Ea Yiêng vừa học chăn nuôi rắn, mối với ước mơ có thể làm chủ một trang trại sản xuất... Còn với Y Phor (xã Ea Uy), đã hơn một năm trôi qua vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng. Anh tâm sự, bây giờ những lỗi lầm năm xưa nhiều lúc vẫn còn đeo bám, anh bị xa lánh, khó tìm được việc mà gia đình anh không có đất, bản thân lại không có nghề gì trong tay, giờ chỉ đi làm thuê như hái cà phê, tiêu... Không nản chí, anh chăm chỉ làm việc với quyết tâm có một ngày, anh được đi học nghề, có việc làm để ổn định cuộc sống, chăm lo cho gia đình. "Có đất sản xuất thì mình học nghề nông nghiệp, không có đất thì mình học nghề phi nông nghiệp. Bởi vì, việc làm là cơ hội thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp" – Y Phor bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Hà, Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc cho biết, trong những năm tới Huyện Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, không kì thị, xa lánh mà cùng phối hợp, giúp đỡ tạo ra giải pháp giúp thanh niên hoàn lương hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đồng thời, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ vốn, tạo cơ hội việc làm để “Thắp sáng niềm tin vào cuộc sống” cho thanh niên đã từng lầm lỡ để họ tự tin hơn vào bản thân, tiếp tục phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Một tín hiệu vui: Thực hiện đề án “Hỗ trợ thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2015 – 2020” của UBND tỉnh, vừa qua UBND huyện Krông Pắc phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm dạy nghề huyện đã tổ chức buổi gặp mặt thanh thiếu niên cá biệt, sau cai nghiện ma túy, hoàn lương nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, chia sẻ khó khăn với thanh niên hoàn lương. Cùng với cam kết miễn phí dạy nghề, tạo cơ hội việc làm, chính quyền và các đơn vị liên quan trao nhiều suất vốn vay khởi nghiệp giúp thanh niên sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng... Hy vọng rằng, con đường tái hòa nhập của các thanh niên hoàn lương sẽ ngày càng rộng mở.
Dung Nguyễn
Ý kiến bạn đọc