Multimedia Đọc Báo in

Làng miến ven đô những ngày cuối tháng Chạp

14:49, 20/01/2017

Cuối tháng Chạp, nhịp sống tại làng miến phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột như khẩn trưởng hơn, bởi các hộ dân đang tập trung sản xuất hàng phục vụ thị trường tết.

Nghề làm miến ở Khánh Xuân xuất hiện từ hàng chục năm nay, do một số người từ các tỉnh phía Bắc mang vào. Ban đầu, họ chỉ làm thủ công với số lượng ít để dùng trong gia đình. Đến nay, nghề này đã phát triển mạnh và đã trở thành “thương hiệu” của Khánh Xuân, sản phẩm được tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, các hộ làm miến ở đây đã cam kết với cơ quan chức năng là không sử dụng hàn the, thuốc tẩy và các chất phụ gia độc hại trong sản xuất. 

Cơ sở làm miến của gia đình anh Vũ Quốc Phong, khối 1, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.
Cơ sở làm miến của gia đình anh Vũ Quốc Phong, khối 1, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.

Những năm trước, thường vào tầm 20 tháng Chạp, người làm miến ở Khánh Xuân đã sản xuất đủ hàng cung ứng cho thị trường và dọn dẹp nhà xưởng, sân phơi để chuẩn bị đi sắm tết. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa liên tục từ đầu tháng Chạp khiến việc sản xuất bị chậm trễ. Mấy ngày gần đây, trời nắng ráo, những người làm miến đang chạy đua với thời gian và thời tiết để sản xuất hàng tết.

Theo 1 cán bộ công tác tại phường Khánh Xuân, địa phương có khoảng 20 hộ làm miến quy mô lớn. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, một số hộ đã đầu tư dây chuyền máy móc hàng chục triệu đồng và nhập bột dong riềng từ ngoài Bắc vào để sản xuất miến; một số hộ còn tận dụng phụ phẩm từ sản xuất miến như nước vo gạo, miến hư để nuôi heo, gà nhằm tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, nghề này đã đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình và tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đến xóm đạo Chi Lăng – nơi tập trung hàng chục hộ làm miến lớn nhất phường Khánh Xuân thời gian này dễ bắt gặp không khí tất bật bao trùm khắp đầu làng cuối xóm. Mọi khoảng trống ngoài đường, trên mái nhà và trước sân được tận dụng để trải phên, giàn phơi miến, trong nhà tiếng máy chạy rần rần, không khí sản xuất tất bật từ sáng tới chiều. Chị Cao Thế Trần Hiệp, khối 1, phường Khánh Xuân cho biết, hơn 20 năm làm miến dong chưa năm nào thời tiết thất thường như năm nay. Đến tháng 12 âm lịch mà trời vẫn mưa, miến có làm ra cũng không phơi được nên máy móc nằm đắp chiếu, người làm miến như ngồi trên đống lửa vì lo “không có tết”; khách đặt hàng cũng chẳng dám nhận nhiều. Làm nghề này ăn thua nhờ trời, bởi “không có nắng, có gió thì đừng nói chuyện làm miến”, may mà mấy ngày gần đây trời đã hết mưa, gia đình chị tranh thủ mọi lúc có nắng để làm miến. Xưởng hoạt động hết công suất, anh em công nhân làm việc luôn tay, mỗi ngày cho ra lò hơn 1 tạ miến, nhưng chị vẫn lo, thỉnh thoảng lại ra nhìn lên trời cho… đỡ sốt ruột. Thấy trời trong xanh, nắng đẹp, chị động viên người làm nhanh tay hơn để mẻ này khô rồi làm mẻ khác cho được nắng.

Phía bên kia con đường bê tông, xưởng làm miến gạo của anh Vũ Quốc Phong cũng tất bật không kém, bởi đã nhận đặt hàng miến tết của khách nhưng chưa làm được nhiều trong khi tết đã rất gần. Tay vẫn thoăn thoắt trên giá chải miến, anh Phong chia sẻ: “Mùa sản xuất cao điểm mà trời đỏng đảnh quá, phải tranh thủ từng chút nắng, làm được chừng nào hay chừng đó, bởi miến này mà gặp mưa thì coi như bỏ hết”. Để tránh miến bị ướt, gia đình anh đã chuẩn bị bạt, tôn che phòng khi thu dọn miến không kịp. Cả gia đình 6 người được huy động hết để làm miến, mấy đứa nhỏ lúc nghỉ học cũng phụ giúp cha mẹ, riêng anh Phong chân đi còn tập tễnh (vì bị tai nạn) cũng xắn tay áo làm cùng mọi người. Một người thợ chia sẻ thêm, dịp này, mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường gần 3 tạ miến, xe chở hàng ra vào thường xuyên, sản phẩm ở đây không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi Đắk Nông, Khánh Hòa.

Dù đã quá trưa, nhưng cả gia đình bà Nguyễn Thị Phượng vẫn tranh thủ làm cho xong mẻ miến rồi mới nghỉ ăn cơm. Bà Phượng chạy qua chạy lại từ ngõ vào sân để phơi, trở miến, chồng bà và đứa con trai mạnh tay mạnh chân thì quấy bột, cắt miến, mấy người còn lại thì cân và đóng bao miến. Gia đình bà làm nghề này từ hơn 10 năm nay, bình thường, dịp này đã giao xong hàng tết cho khách. Không khí làm việc đang rất khẩn trương, thấy trời xuất hiện nhiều mây kéo theo vài hạt mưa, bà Phượng hốt hoảng: “Trời mưa, chắc năm nay người làm miến khỏi ăn tết”. Như chiều lòng những người làm miến vất vả quanh năm đang mong chờ mùa hàng tết thuận lợi, mây tan, trời tiếp tục nắng; mọi người lại tiếp tục công việc với hy vọng một cái tết sung túc...

Ghi chép của Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.