Multimedia Đọc Báo in

Nâng bước tương lai

07:34, 27/01/2017

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh đã vận động quyên góp từ các tổ chức, cá nhân, tạo nguồn quỹ giúp học sinh nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vững bước đến trường.

Mỗi cái ôm – một hạnh phúc

Từ nhiều tháng nay, người dân huyện Krông Pắc dường như đã quen thuộc với hình ảnh chú gấu bông xinh xắn luôn mang bên mình tấm biển với dòng chữ “One hug - One smile” thường đến những quán cà phê bán kẹo và trao những cái ôm thân thiện.Thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện về vùng còn nhiều khó khăn, các bạn trẻ của nhóm thiện nguyện Ấm áp tình thương (huyện Krông Pắc) thấy được sự thiếu thốn, thiệt thòi về cuộc sống cũng như điều kiện học tập của trẻ em nơi đây. Lên ý tưởng và nhanh chóng được các thành viên ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình, chuỗi hoạt động One hug - One smile ra đời với nhiệm vụ kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng thông qua việc đổi 1 cái ôm, trao nụ cười và mua cây kẹo ngọt ngào với giá 10 nghìn đồng.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2016, để tiết kiệm thời gian của các thành viên, nhóm sử dụng Facebook làm phương tiện kết nối liên lạc. Thời gian, địa điểm hoạt động, công bố tài chính… đều được Ban Chủ nhiệm đưa lên trang chủ. Ở đây mọi người có thể bàn bạc kế hoạch hoạt động với nhau mà không cần mất thời gian tổ chức gặp gỡ. 

Vào ngày thứ bảy, chủ nhật của tuần cuối cùng hằng tháng, nhóm sẽ huy động các thành viên tham gia bán kẹo gây quỹ. Các bạn tới quán cà phê trên địa bàn đã được thống nhất từ trước, cùng giới thiệu về hoạt động và mời các vị khách tại đây ủng hộ. Hưởng ứng việc làm này, rất nhiều người đã mua kẹo và gửi tới chú gấu đáng yêu những cái ôm ấm áp. 

Đại diện nhóm Ấm áp tình thương trao học bổng và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học .
Đại diện nhóm Ấm áp tình thương trao học bổng và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học.

Tất cả số tiền quyên góp sẽ được ủng hộ cho chương trình “Ươm mầm xanh tương lai” do nhóm tổ chức nhằm hỗ trợ việc học tập, tiếp sức đến trường cho các học sinh nghèo miền núi với trị giá 2,5 triệu đồng/năm/học sinh.

Tùy theo nhu cầu sử dụng và hoàn cảnh thực tế về học tập, sinh sống, số tiền hỗ trợ cho các em sẽ được nhóm dùng để mua các vật dụng như xe đạp, quà khuyến học (đèn bàn học, sách vở, đồng phục) và trao học bổng từ 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng/suất. Là một trong những học sinh được nhóm trao gói hỗ trợ tiếp sức đến trường “Ươm mầm xanh tương lai” trong tháng 10 vừa qua, em Mã Ngọc Bảo Thy, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (xã Ea Phê) vô cùng xúc động: “Chiếc xe đạp này là niềm mơ ước của em từ rất lâu rồi, giúp rút ngắn quãng đường dài hơn 7 km từ nhà đến trường. Món quà này sẽ là động lực để em phấn đấu học tập, rèn luyện tốt hơn nữa”.

Chắp cánh ước mơ

Theo chân các tình nguyện viên của nhóm Vòng tay yêu thương (Mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên) vượt hơn 200 km đến với bản Mông, xã Ea Đah - bản vùng sâu cách trung tâm huyện Krông Năng khoảng 35 km để tặng quà cho trẻ em nghèo, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của chương trình thiện nguyện này.

Ở nơi đây chưa có điện và cả trường mẫu giáo, các em học sinh cấp 1 và cấp 2 đều phải ở nội trú trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, khi nhận được những món quà nhỏ dù chỉ là bộ dụng cụ học tập, cuốn vở hay những bộ quần áo cũ cũng là cả niềm vui lớn đối với các em. Nhóm thiện nguyện đã tổ chức chương trình Vì học sinh nghèo tại đây với nhiều hoạt động như cắt tóc, bấm móng tay và trao tặng áo ấm cùng 50 chiếc cặp sách.

Ngoài tổ chức các chương trình vui chơi, tặng quà cho thiếu nhi vùng sâu, nhóm còn thường xuyên khảo sát, tìm về địa chỉ những em học sinh nghèo hiếu học để trao những suất học bổng ý nghĩa. Em Lương Thị Phong, học sinh lớp 3B Trường Tiểu học Phan Bội Châu (xã Vụ Bổn,huyện Krông Pắc) là một trong số đó. Bố mất sớm để lại gánh nặng lên vai người mẹ thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên cuộc sống gia đình em rất khó khăn. Sống trong điều kiện ấy nhưng Phong rất chăm chỉ, là học sinh giỏi ba năm liền. Năm học 2014-2015 em là học sinh xuất sắc toàn diện, dẫn đầu khối lớp. Cảm phục tinh thần ấy, nhóm đã hỗ trợ em 2,5 triệu đồng mua xe đạp và đồ dùng phục vụ việc học tập. Ngoài ra, trong năm học 2016-2017, nhóm đã vận động được 1 mạnh thường quân ở Hà Nội hỗ trợ thêm học bổng cho em với mức 300.000 đồng/tháng.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2014, chương trình Vì học sinh nghèo là hoạt động thường xuyên của nhóm tình nguyện Vòng tay yêu thương hướng về thiếu nhi vùng sâu, vùng xa. Đến nay, sau 11 lần tổ chức, các tình nguyện viên của chương trình đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên 200 triệu đồng, qua đó trao tặng hàng nghìn phần quà ý nghĩa cho các em. 

Vào thời điểm cuối năm, nhóm lại tổ chức các chuyến đi tình nguyện mang Tết về vùng sâu. Dù chỉ là những suất quà nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, giúp nhiều hộ dân và trẻ em tại các xã khó khăn ấm lòng trong tình yêu thương và sự sẻ chia của cộng đồng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.