Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực của chàng trai khuyết tật

15:36, 20/01/2017

Từ nhiều năm nay, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Nhật Vĩnh (thôn 8, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là người khuyết tật địa phương… Vượt qua mặc cảm, khó khăn, họ tìm đến với nhau như một mái nhà để làm việc, chia sẻ và sống có ích.
    
Vượt lên đôi chân tật nguyền

Được biết, người khởi xướng thành lập và chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Nhật Vĩnh là anh Võ Văn Vĩnh (sinh năm 1976). Sinh ra đã mang trong mình chất độc màu da cam, hai chân anh nhỏ và cứ teo tóp dần. Chưa một ngày tự mình đứng dậy nhưng anh không cho phép mình đầu hàng số phận; trên chiếc xe lăn, ngày ngày anh vẫn miệt mài tìm con chữ. Đang là sinh viên ngành kiến trúc, hoàn cảnh không cho phép, anh đành bỏ dở ước mơ để theo học khóa Trung cấp điện, điện tử. Ra trường, anh về Đắk Lắk mở tiệm sữa chữa điện tử, điện lạnh để kiếm sống qua ngày. Nhưng bất hạnh chưa dừng lại ở đó, trong một lần bị tai nạn, xương chân của anh vốn đã nhỏ cứ bị gãy đi gãy lại. “Ngồi nhà, nhìn đôi bàn chân teo tóp, quấn băng trắng, có nhiều lúc muốn phó mặc cho số phận, nhưng trong hoàn cảnh đó, cái duyên của Vĩnh với những phiến gỗ mới bén lấy nhau”- anh nhớ lại.

Khi đó, những nét chạm trổ, âm thanh của những tiếng đục gỗ… lại có sức hút kỳ lạ với anh. Theo đuổi đam mê với gỗ, anh chăm chỉ “học lỏm” từ các thợ khác ở địa phương rồi tự mày mò, học hỏi thêm về quy trình chế tác gỗ mỹ nghệ. Người thanh niên bất hạnh ấy tìm thấy cho mình một ý nghĩa sống, điều mà trước đây anh cứ nghĩ, cuộc sống đã chấm hết sau đôi chân tật nguyền. Anh chia sẻ “đôi chân không lành lặn nhưng vẫn còn đôi tay, nghề điêu khắc gỗ chỉ cần đôi tay tinh xảo với ý chí quyết tâm đến cùng là sẽ làm được”. Với sự nỗ lực, chịu khó, giờ anh Vĩnh đã là “thợ” chính trong nghề, ông chủ của xưởng đồ gỗ mỹ nghệ khá quy mô ở thị trấn Ea Pốk.

Anh Vĩnh và gian hàng gỗ mỹ nghệ tham gia hội chợ Xuân Đắk Lắk 2017

Năm 2006, cơ sở sản xuất mỹ nghệ Nhật Vĩnh được thành lập. Nhưng khó khăn lớn nhất của cơ sở là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Không còn cách nào khác, Vĩnh phải ôm hàng, ôm xe lăn… lặn lội khắp từ Nam ra Bắc để tìm kiếm khách hàng, ngoài ra anh còn tranh thủ chào bán sản phẩm qua mạng xã hội, tích cực tham gia các đợt hội chợ,  triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình.

Truyền nghề cho những người cùng cảnh ngộ

Trời không phụ lòng người có chí, sự tin tưởng của khách hàng nhiều nơi đã tạo chỗ đứng nhất định cho sản phẩm của cơ sở. Những bức tượng gỗ, tranh trang trí, tủ bếp, giường… do anh làm ra được thị trường ngày càng ưa chuộng. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Từ nghề này đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Phấn khởi với thành quả ban đầu đó, anh càng củng cố ý chí làm giàu của mình.

Giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm, sau giai đoạn khó khăn, năm 2010, anh Vĩnh nghĩ ngay đến việc truyền nghề lại cho những người cùng cảnh ngộ. Ai có đam mê với nghề mỹ nghệ gỗ đều được anh nhiệt tình chỉ dẫn. Những người khuyết tật trên địa bàn tìm đến với anh để học nghề ngày một nhiều. Cứ vài tháng, xưởng gỗ của anh lại đón nhận thêm… vài chiếc xe lăn, đôi nạn gỗ của những người khuyết tật đến học nghề. Họ lại ngồi say sưa bên thầy Vĩnh tỉ mẩn đục, đẽo “trang điểm” cho từng gốc gỗ. Với những người đã thành thạo, nếu có nguyện vọng anh giữ lại làm thợ chính của cơ sở với thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Trong số hơn 10 lao động hiện đang làm ở đây có đến hơn một nửa là người bị dị tật đôi chân, khiếm thính…. “Dù đi lại khó khăn nhưng họ vẫn đến làm việc đều đặn mỗi ngày, trừ những lúc ốm đau chứ hiếm có ai chịu bỏ một ngày làm”- anh Vĩnh cho hay. Để có việc thường xuyên cho mọi người, anh Vĩnh tự chế cho mình chiếc xe ba bánh rồi lại tiếp tục đi nhiều nơi giới thiệu sản phẩm, tìm ra nhiều mẫu mã mới để sản xuất.

Bây giờ, ước mơ lớn nhất của anh là được tiếp tục vay vốn ưu đãi đầu tư thêm một số máy móc cần thiết, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, tạo thêm việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật.

Ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật thị trấn Ea Pốk cho biết, không chỉ gây dựng kinh tế cho mình, anh Vĩnh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Nhận thấy việc làm thiết thực của anh, thời gian qua, Câu lạc bộ cũng tạo điều kiện để anh được vay vốn ưu đãi từ Tổ chức nhân đạo MCNV Hà Lan hỗ trợ; tham gia các kỳ hội thảo, tập huấn và điêu khác mỹ nghệ để anh có điều kiện nâng cao hơn nữa tay nghề và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đỗ Lan
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.