Những cánh én thầm lặng dệt mùa Xuân
Nghĩa cử hiến máu tình nguyện cao đẹp hay những phiếu ăn miễn phí không chỉ tiếp thêm năng lượng cho người bệnh nghèo trong cơn bĩ cực, mà còn cho họ thêm niềm tin vào cuộc sống đầy ắp tình người…
Nửa đêm “chạy show” để… hiến máu
1 giờ sáng, nhận được thông tin có bệnh nhân cần được tiếp máu gấp, chị Trần Ngọc Thư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên lạc với các tình nguyện viên và nhanh chóng có mặt tại bệnh viện. Tuy nhiên, tới lúc đó mới phát hiện ca bệnh này cần cung cấp tiểu cầu chứ không phải máu, trong khi những người có mặt lại không đủ điều kiện để hiến tiểu cầu. Vậy là, những cuộc điện thoại gọi cho các tình nguyện viên tiếp tục kết nối trong đêm, cuối cùng cũng tìm đủ tiểu cầu để bệnh nhân làm phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, chị Thư và các bạn ở lại bên người nhà bệnh nhân đến sáng mới trở về. Cả đêm không ngủ, gương mặt hiện lên vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt rạng ngời niềm vui, chị Thư bộc bạch: “Chuyện “chạy show” lúc nửa đêm như vậy không phải hiếm, bọn mình đi riết rồi cũng thấy quen. Mỗi khi thấy người bệnh thoát cơn nguy hiểm, bao mệt mỏi như tan biến”.
Chị Trần Ngọc Thư trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện. |
Từng được cứu sống nhờ vào nguồn máu hiến tặng của những người không quen biết trong lần bị tai nạn giao thông “thập tử nhất sinh” năm 1997, hơn ai hết, chị Trần Ngọc Thư hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của những giọt máu được hiến tặng đúng thời điểm. Vì vậy, khi sức khỏe bình phục sau tai nạn, chị Thư - khi ấy mới là cô sinh viên 19 tuổi đã tìm đến Trung tâm Huyết học TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện để góp phần trao cơ hội sống cho những bệnh nhân cần máu. Dần dần chị bị “cuốn” theo hoạt động hiến máu tình nguyện từ lúc nào cũng chẳng rõ.
Năm 2005, trở về sinh sống tại quê hương Đắk Lắk, chị Trần Ngọc Thư đã trở thành hạt nhân nòng cốt trong các phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương. Cứ mỗi 4 tháng (khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần cho máu), chị Thư lại đăng ký hiến tặng máu và con số 40 lần hiến máu tình nguyện của chị là điều mà không phải ai cũng làm được. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, chị Thư còn là một trong những người sáng lập ra Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống tại địa phương. Chị chia sẻ: “Khoảng 5-6 năm trước, hiến máu sống còn là một việc làm hiếm có và rất ít người hưởng ứng. Trong quá trình làm tình nguyện viên của các chương trình hiến máu tình nguyện tôi nhận thấy có nhiều gia đình bệnh nhân tìm máu trong các ca phẫu thuật rất vất vả nên mới mạnh dạn đề xuất ý tưởng thành lập một Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống với bạn bè và may mắn là được mọi người nhiệt tình ủng hộ”.
Những ngày đầu, Câu lạc bộ đi vào hoạt động chỉ có một vài thành viên nòng cốt. Dần dần, nhờ được lan truyền trên Facebook, Zalo và các diễn đàn, Câu lạc bộ đã quy tụ được 40 thành viên chính thức và hàng trăm tình nguyện viên không thường trực luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào. Qua hơn 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã trở thành địa chỉ “đỏ”, tiếp ứng hơn 1.000 đơn vị máu và tiểu cầu cho người bệnh trong những lúc cần truyền máu cấp cứu.
Có lẽ, không có gì có thể so sánh với giá trị của những giọt máu mà chị Thư và bạn bè của mình hiến tặng người bệnh. Song, càng trân trọng hơn nghĩa cử cao đẹp ấy khi nghe chị bộc bạch: “Cho đi một đơn vị máu tôi không ảnh hưởng nhiều về sức khỏe, nhưng đổi lại có thể góp sức cứu sống một tính mạng con người. Việc đơn giản nhưng lại hết sức tốt đẹp như vậy thì có lý do gì một người trẻ, khỏe như tôi lại không làm”.
“Cho đi là đang nhận về”
Đầu tháng 9-2016, khi nghe được cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trình dược viên về những người bệnh bỏ điều trị chỉ vì người nhà không có tiền để ăn trong những ngày nuôi bệnh, bác sĩ Phạm Hòa Anh (công tác tại khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) chợt nghĩ phải làm điều gì đó để hỗ trợ bữa ăn cho những thân nhân đi nuôi bệnh và bắt đầu lên ý tưởng hình thành Quỹ từ thiện “Đĩa cơm trên tường” ngay tại địa phương mình. Anh chia sẻ: “Có nhiều cách để làm từ thiện, nhưng tôi chọn mô hình “Đĩa cơm trên tường” để hỗ trợ bữa ăn cho người bệnh nghèo vì chương trình này đã được các đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công một thời gian dài. Hơn nữa, tôi chọn mô hình này còn bởi tính nhân văncủa nó tuân thủ theo nguyên tắc “3 không”: người cho không biết người nhận; người nhận không biết người cho; phần cho không mang tính bố thí. Trên thực tế, chương trình không tổ chức nấu cơm, phát cơm từ thiện mà chọn căng tin bệnh viện hoặc những quán cơm gần bệnh viện để hợp tác cung cấp suất ăn. Bệnh nhân, thân nhân nghèo được nhận “Đĩa cơm trên tường”, chỉ cần cầm phiếu ăn đến quán để ăn cơm và có thể lựa chọn món ăn theo khẩu vị, sở thích của mình giống như những khách hàng bình thường của quán”.
Bác sĩ Hòa Anh tranh thủ giờ nghỉ làm phiếu ăn để phát cho bệnh nhân nghèo. |
|
Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, cùng sự ủng hộ, hợp sức của một số bạn bè thân thiết, Quỹ từ thiện “Đĩa cơm trên tường” Buôn Ma Thuột đã ra đời vào ngày 12-9-2016 với Ban Điều phối Quỹ gồm 9 người do bác sĩ Phạm Hòa Anh là Trưởng ban. Tháng đầu tiên hoạt động, bác sĩ Hòa Anh và các thành viên Ban Điều phối đã tự bỏ tiền xây dựng Quỹ để phát 600 phiếu ăn miễn phí (mỗi phiếu ăn là một đĩa cơm trị giá 25.000 đồng) cho người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để Quỹ được mở rộng, mỗi ngày, bên cạnh việc khám bệnh, bác sĩ Phạm Hòa Anh cùng với Ban Điều phối tích cực “kiếm cơm” cho bệnh nhân thông qua việc chia sẻ, giới thiệu hoạt động của Quỹ trên Facebook để vận động sự ủng hộ của mọi người; tổ chức Chương trình đêm nhạc Blouse trắng để gây quỹ… Với sự nhiệt huyết của anh và bạn bè, Quỹ “Đĩa cơm trên tường” chi nhánh Buôn Ma Thuột nhanh chóng nhận được sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh. Ngay trong tháng thứ 2 đi vào hoạt động, Quỹ đã tăng số lượng phiếu ăn phát cho người bệnh lên 1.200 phiếu/tháng và mở rộng thêm địa điểm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Với thành công của 2 đêm nhạc Blouse trắng cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người gửi về tài khoản Quỹ là cơ sở để bác sĩ Hòa Anh cùng các cộng sự lên kế hoạch tăng suất ăn mỗi tháng lên 1.500 phiếu, đồng thời việc phát phiếu ăn sẽ triển khai thêm tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Với một bác sĩ ngoại khoa luôn bận rộn với lịch trình hoạt động từ phòng khám, phòng mổ đến phòng bệnh, thì việc làm thiện nguyện của bác sĩ Phạm Hòa Anh càng thể hiện rõ hơn tinh thần hết lòng vì người bệnh. Thế nhưng, với cá nhân mình, anh lại cho rằng đó là việc làm rất đỗi bình thường: “Là một thành viên của Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Đắk Lắk (tiền thân của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh ngày nay), trước đây tôi thường tham gia những chuyến đi khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở trong và ngoài tỉnh. Thời gian này, công việc chuyên môn bận rộn, không có nhiều thời gian cho những chuyến đi như vậy nữa thì tôi chọn cách khác để chia sẻ với khó khăn của người bệnh”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc