Vĩ thanh hạnh phúc
Lúc mới mắc phải bệnh phong, căn bệnh từng được xem là một trong “tứ chứng nan y”, nhiều bệnh nhân tưởng chừng không vượt qua được định kiến, mặc cảm. Thế nhưng, nhờ có những người thầy thuốc luôn âm thầm đồng hành, họ đã được chữa lành bệnh và tiếp thêm sức mạnh tinh thần.
Trên những chiếc ghế đá trong khuôn viên của khoa Điều trị phong Ea Na (thuộc Trung tâm Da liễu tỉnh, nằm tại buôn Tuôr A, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana), những cụ già vừa thư thái tắm nắng mai, vừa rôm rả chuyện trò. Nhìn cuộc sống an yên ấy, ít ai biết được rằng, mỗi người trong số họ đều từng trải qua nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần.
Bệnh phong - căn bệnh đã làm cho cơ thể của 78 bệnh nhân đang sống tại đây bị “ăn mòn” không còn nguyên vẹn, lành lặn, khiến họ dường như bị mất niềm tin khi không còn khả năng lao động để nuôi sống bản thân. Thế nhưng, cuộc sống của những con người ấy đâu chỉ bị bệnh tật hành hạ mà còn chịu biết bao cay đắng, bởi nỗi mặc cảm bệnh tật, bị người thân xa lánh. Nhớ lại thời gian cơ cực ấy, bà H’Nan Byă, người có gần 40 năm gắn bó với khoa Điều trị phong Ea Na kể: “Khi biết tôi bị bệnh, xung quanh đều tỏ ra ghê sợ, đi đến đâu tôi cũng bị xua đuổi. Ngay cả những người thân, tuy không nói ra nhưng thực lòng cũng chẳng muốn ở cùng tôi. Sau đó tôi được đưa đến đây điều trị, được các bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, bệnh tình của tôi rồi cũng khỏi hẳn. Tuy bàn chân không còn lành lặn, bệnh phong không còn bị mọi người xa lánh nữa nhưng nhớ lại lúc mới bị bệnh, tôi luôn cảm kích tấm lòng của các y bác sĩ”.
Điều dưỡng H’Rít Êban đang chăm sóc bệnh nhân. |
Nỗi mặc cảm bệnh phong không chỉ ám ảnh người mắc bệnh mà cả thân nhân của họ. Điều dưỡng H’Rít Êban đang làm việc tại khoa Điều trị phong Ea Na chia sẻ: “Lúc còn bé, em hay bị bạn bè chê cười và không muốn chơi cùng vì có ông bà mắc bệnh phong. Khi ấy, em cũng chẳng hiểu gì về bệnh phong, nhưng nhìn thấy ông bà bị lở loét chân tay nên nghĩ nó rất đáng sợ. Bây giờ, trải qua quá trình học tập và gắn bó với nghề y, em đã hiểu rõ hơn về bệnh này nên đã chọn về làm việc ở nơi đây”.
Cuộc sống của những người mắc bệnh phong trước kia vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là sự kỳ thị của xã hội khiến người bệnh dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, ngay cả người dân sống ở khu vực lân cận không ai dám đến gần khu điều trị. Thế nhưng, bỏ qua sự kỳ thị và xa lánh đó, những thế hệ thầy thuốc đã và đang công tác tại khoa điều trị vẫn cống hiến tuổi xuân, sức lực và tâm huyết với người bệnh, đem lại tình thương và che chở cho họ. Qua cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Sĩ Tố, Phó Trưởng khoa Điều trị phong Ea Na, người đã gắn bó với bệnh nhân phong từ năm 1990, tôi được biết, năm 1948, khu điều trị phong Ea Na (tiền thân của khoa điều trị ngày nay) được một người Pháp thành lập làm nơi chữa trị cho người mắc bệnh phong và bệnh ngoài da. Đến năm 1975, khu điều trị được Sở Y tế tiếp quản với gần 500 bệnh nhân đang ở điều trị. Lúc ấy, khu điều trị hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, cơ sở vật chất, trang thiết bị chẳng có gì ngoài những phòng ốc đã xuống cấp. Bác sĩ Tố bộc bạch: “Ngày ấy, sự kỳ thị của người đời đối với bệnh nhân phong rất ghê gớm. Ban đầu khi lên làm việc tại đây, nhiều đồng nghiệp của tôi còn không nhận được sự đồng thuận của gia đình nên cũng có chút “lung lay”. Song khi cùng sống, nhìn thấy cả nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh, chúng tôi càng quyết tâm làm tốt công việc của mình để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần 40 năm qua, nơi đây đã trở thành một cơ sở khang trang với khuôn viên xanh - sạch - đẹp, phòng bệnh rộng rãi có ti vi để bệnh nhân xem tin tức, giải trí; nhà ăn tiện nghi, sạch sẽ và có xưởng làm giày dép chuyên dụng cho bệnh nhân phong…”.
Cũng bởi xem người bệnh như người thân trong nhà nên ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, các y bác sĩ và nhân viên ở khoa điều trị còn chăm lo mọi mặt đời sống của người bệnh, từ bữa ăn, chỗ ngủ, cho đến những đôi giày phù hợp với bàn chân dị tật... Anh Huỳnh Thanh Phong, người đã có hơn 10 năm làm công việc đóng giày, dép cho bệnh nhân phong ở khoa điều trị chia sẻ: “Đặc điểm thương tổn của bệnh nhân phong, nhất là ở bàn chân thường để lại những dị tật ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đi lại, nếu không có giày, dép chuyên dụng thì việc đi lại rất khó khăn. Hiện tại, để làm ra một đôi giày cho bệnh nhân phong phải mất khoảng 3 ngày, thậm chí làm giày khuôn bột (giày dành cho những bàn chân đã bị biến dạng) có khi phải cả tuần mới xong một đôi. Tuy công việc làm giày khá buồn tẻ, vất vả, nhưng nhìn thấy người bệnh đi lại thoải mái nhờ những sản phẩm mình làm ra tôi cảm thấy rất vui”.
Anh Huỳnh Thanh Phong miệt mài với công việc chế tạo giày, dép cho bệnh nhân phong. |
Nhờ có tình cảm trân quý của bác sĩ Tố, điều dưỡng H’Rít, anh Phong và những nhân viên khác ở khoa điều trị, rất nhiều bệnh nhân phong đã và đang điều trị ở đây như được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên. Giờ đây, buôn Tuôr A - “bản doanh” của khoa Điều trị phong Ea Na và là nơi cư ngụ của gần 150 hộ gia đình bệnh nhân phong đã được điều trị khỏi - không còn là vùng đất hoang sơ, tách biệt với những thôn buônkhác như hơn 10 năm về trước nữa, mà thực sự trở thành một xã hội thu nhỏ với những cụm dân cư nằm xen kẽ giữa vườn cây xanh rì, có nhà văn hóa cộng đồng, trường học… Người dân buôn Tuôr A đã xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và có cuộc sống bình thường, chuyển từ lối sống khép tín, tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa, giao thương với bên ngoài. Và điều kỳ diệu là từ nơi này đã có nhiều cặp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã được “se duyên”. Chẳng hạn như trường hợp của ông Y Blia M’lô, trong thời gian điều trị tại khoa đã gặp gỡ, kết hôn cùng con gái của một bệnh nhân khác và chọn buôn Tuôr A làm nơi sinh sống, lập nghiệp. Vừa chơi đùa với cô cháu ngoại hơn 5 tháng tuổi, ông Y Blia vừa kể về cuộc sống của mình: “Năm 1978, khi bị bệnh phong, thấy mọi người xa lánh, tôi buồn chán, mặc cảm, bỏ nhà đi và tìm đến khoa điều trị để chữa bệnh. Được các bác sĩ chữa bệnh tận tình, rồi lại gặp được người cùng cảnh ngộ nên sau khi khỏi bệnh tôi quyết định sinh sống lập nghiệp ở nơi này, vợ tôi cũng là con gái của một bệnh nhân phong. Gần 30 năm qua đi, vợ chồng tôi giờ đã có cháu ngoại, con cháu tôi đều hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có biểu hiện của bệnh phong. Cuộc sống gia đình tuy không giàu nhưng cũng tươm tất, song quan trọng là chúng tôi tự tin hòa nhập với xã hội, tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương…”.
Khánh Duy
Ý kiến bạn đọc