Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai Êđê đa tài

11:12, 10/02/2017

Ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nhiều người biết đến Y Danh Niê (SN 1971) bởi anh có tài tạc tượng nhà mồ và chế biến các món ăn dân dã đậm chất núi rừng Tây Nguyên.

Anh Y Danh Niê đang tạc tượng nhà mồ.
Anh Y Danh Niê đang tạc tượng nhà mồ.

 Y Danh đến với nghề tạc tượng như một duyên tình cờ. Nhiều năm về trước, mỗi khi trong buôn có người chết, thanh niên trong làng vào rừng tìm cây gỗ quý như hương, trắc, cà chít trên mười năm tuổi mang về cho thợ tạc tượng. Thấy các thợ khéo léo đục, đẽo những khối gỗ to cứng thành những bức tượng sinh động, Y Danh tò mò tìm hiểu rồi mê mẩn lúc nào không hay. Từ đó, anh xin theo phụ việc cho các thợ tạc tượng để học nghề. Lần đầu cầm búa tập đẽo tượng, đôi tay liên tục đau nhức, rỉ máu nhưng anh không hề nản chí. Nhờ siêng năng rèn luyện cộng với vốn thông minh và lòng đam mê, cuối cùng anh cũng thành công. Theo anh, chất liệu chính để làm tượng nhà mồ là gỗ, được đục đẽo, phạt bằng rựa, rìu, dao. Đường nét tượng thô sơ, mộc mạc nhưng ẩn chứa trong nó là cả sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú mà không phải ai cũng làm được. “Người làm tượng nhà mồ cái bụng phải tốt, mắt phải sáng mới tìm được thân gỗ cứng nhất để đẽo tượng cho đẹp, khiến quỷ dữ không dám quậy phá linh hồn người chết ở bên Yàng” – lời Y Danh. Tuy nhiên, lúc Y Danh thạo nghề cũng là thời điểm nghề tạc tượng nhà mồ đang dần phai nhạt. Phần vì gỗ rừng ngày càng khan hiếm, người biết tạc tượng đa phần đã già yếu trong khi giới trẻ tỏ ra thờ ơ với truyền thống cha ông. Riêng anh vẫn kiên trì theo nghề, ai nhờ tạc tượng, anh đều vui vẻ nhận lời.

Anh Y Danh Niê nướng cơm lam phục vụ khách.
Anh Y Danh Niê nướng cơm lam phục vụ khách.

Ngoài nghề tạc tượng, anh còn biết nấu các món ăn dân dã của đồng bào Êđê. Từng lá rau, hoa trái trong rừng như lá tàu bay, lim xẹt, rau cải rừng, rau dớn, rau bép, quả cóc rừng, trái cà đắng…, qua bàn tay chế biến của anh đều trở thành món ăn lạ thơm ngon, hấp dẫn. Những món anh thường làm là canh cà đắng, lẩu lá rừng, cơm lam, gà nướng... Nhờ có kiến thức am hiểu sâu rộng về rừng và biết chế biến món ăn ngon, Y Danh được nhận vào làm phục vụ cơm nước cho khách du lịch tại Trung tâm Giáo dục dịch vụ và môi trường thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn. Công việc ổn định, môi trường làm việc thuận lợi giúp Y Danh có điều kiện phát huy hết tài năng của mình trong việc giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào Êđê đến với du khách gần xa.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.