Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống dịch bệnh

09:27, 10/02/2017

Lấy dự phòng làm giải pháp ưu tiên chủ động phòng chống dịch bệnh, lồng ghép đưa nội dung phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm vào hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân…, đó là những giải pháp ngành Y tế đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xảy ra.

Mùa đông - xuân với sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, rubella, viêm màng não do mô cầu, sốt xuất huyết, Zika, cúm mùa, tiêu chảy do rota vi rút, tay chân miệng…

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 57 tỉnh, thành phố; 7 trường hợp mắc vi rút Zika. Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục xuất hiện tại các địa phương trong cả nước. Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra cuối tháng 1 vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhận định, năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các bệnh dịch mới nổi có thể bùng phát trên thế giới trong đó có Việt Nam, nhất là các bệnh liên quan tới sự biến chủng của vi sinh vật, bệnh trên động vật lan sang người. Riêng về dịch bệnh Zika, ông Trần Đắc Phu cho rằng, năm nay dịch bệnh này sẽ tăng cả về số địa phương và số ca bệnh và sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành, bởi nó có nguồn bệnh, vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi sốt xuất huyết, rất phổ biến ở Việt Nam.

Riêng tại Đắk Lắk, đến ngày 2-2, toàn tỉnh đã ghi nhận 196 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 72 ca bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây (thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017), các cơ sở y tế đã tiếp nhận khám và cấp cứu cho 94 trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và rượu; 1 trường hợp nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp là do sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước), sự chủ quan của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Các ngành chức năng tăng cường thanh tra kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Các ngành chức năng của tỉnh thanh tra kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp để người dân biết và có ý thức phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; kiểm soát chặt chẽ ổ dịch cũ và các ổ dịch mới phát sinh, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang bị phương tiện phòng chống dịch, sẵn sàng xử lý triệt để ổ dịch; theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch bệnh, nhất là khách du lịch đi và về từ những vùng có dịch bệnh để có biện pháp cách ly, chẩn đoán, điều trị sớm, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa…

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa có Công văn số 388/CV-TG ngày 25-1-2017 gửi Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền về công tác phòng chống các dịch bệnh, nhất là dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết cho học sinh, giáo viên và cán bộ, nhân viên trong các trường học; Sở Y tế chủ động tổ chức biên soạn các tài liệu về phòng, chống các dịch bệnh, nhất là dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền và tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng, chống xử lý dịch bệnh trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở những nơi xuất hiện các ổ dịch. Ban Tuyên giáo các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa đông - xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.